Ngày Thế giới phòng chống sốt rét (25-4) Ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại

Chủ nhật, 25 Tháng 4 2021 16:01 (GMT+7)
Cần Thơ được công nhận loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2019. Ðể giữ vững thành quả này, cần sự chung tay vào cuộc của người dân trong chủ động phòng, chống sốt rét cho bản thân, gia đình và cộng đồng…
Phun thuốc diệt muỗi ở phường Thới An, quận Ô Môn.
 
Giữ vững thành quả
 
Ðến hết năm 2020, toàn quốc có 35 tỉnh, thành phố được công nhận đạt tiêu chí loại trừ bệnh sốt rét. Tuy nhiên, tình hình sốt rét còn phức tạp, tập trung ở các tỉnh miền Ðông Nam Bộ, miền Trung - Tây nguyên như:  Gia Lai, Phú Yên, Bình Phước, Ðắk Lắk, Bình Thuận, Lâm Ðồng, Ðắk Nông… với số trường hợp mắc sốt rét vẫn ở mức cao. Trong khi đó, các yếu tố nguy cơ để bệnh sốt rét bùng phát luôn hiện hữu, như: tập quán đi rừng, ngủ rẫy; dân di biến động giữa các vùng trong nước, hoặc với các nước láng giềng ngày càng phức tạp, khó quản lý; ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc.
 
Mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 ở Việt Nam là đảm bảo tất cả người dân đều được tiếp cận với chẩn đoán sớm bệnh sốt rét, điều trị kịp thời và hiệu quả. Những người có nguy cơ mắc bệnh sốt rét được trang bị kiến thức và các biện pháp bảo vệ phù hợp. Người nhiễm ký sinh trùng sốt rét được giám sát và điều trị khỏi bệnh, tránh lây lan cho cộng đồng.
 
Cần Thơ đã được công nhận loại trừ sốt rét. Trong năm 2020 và quý I-2021, trên địa bàn thành phố, không phát hiện ca bệnh sốt rét. Qua xét nghiệm máu đối tượng nguy cơ, nghi ngờ bị sốt rét, đều không phát hiện ký sinh trùng sốt rét. Tuy nhiên, nguy cơ vẫn thường trực vì người dân đi làm ăn, lao động ở các vùng có ca bệnh sốt rét.
 
Bác sĩ Huỳnh Văn Vũ, Trưởng Khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ cho biết: CDC Cần Thơ, trung  tâm y tế và trạm y tế giám sát thường xuyên để phát hiện sớm các trường hợp bệnh sốt rét nhập cảnh từ các quốc gia, các địa phương đang lưu hành bệnh sốt rét. Từ đó, điều trị kịp thời và ngắt đường lây truyền.  Ðồng thời, tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe, phòng chống sốt rét ở những vùng nguy cơ và những đối tượng nguy cơ cao.
 
Ðể giữ vững thành quả loại trừ sốt rét ở địa phương, nhân kỷ niệm Ngày Thế giới phòng chống sốt rét 25-4 với chủ đề “Không còn bệnh sốt rét - ngăn ngừa bệnh sốt rét quay trở lại”, CDC Cần Thơ đề nghị các đơn vị chỉ đạo tổ chức hoạt động truyền thông phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét; lồng ghép thực hiện các hình thức truyền thông trực tiếp, tư vấn tại hộ gia đình, buổi sinh hoạt họp hội đồng người bệnh… để hướng dẫn các biện pháp phát hiện sớm bệnh và cách phòng bệnh.
 
Phát hiện và điều trị sớm...
 
Sốt rét là bệnh có nguy cơ gây tử vong cao do ký sinh trùng Plasmodium ký sinh trong hồng cầu người gây nên. Bệnh lây truyền qua vết đốt của muỗi cái Anopheles nhiễm ký sinh trùng. Sau khi đốt, muỗi cái Anopheles tiêm ký sinh trùng vào máu của cơ thể vật chủ. Các ký sinh trùng di chuyển đến gan và bắt đầu nằm im ủ bệnh trong 1-2 tuần, sau đó phóng thích ra tấn công vào các tế bào máu. Lúc này, các triệu chứng sốt rét bắt đầu xuất hiện rõ nét: sốt cao, nhiệt độ cơ thể trên 38,90C.
 
Ðây là triệu chứng xuất hiện đầu tiên ở người bệnh, thường là khoảng từ 10-15 ngày sau khi muỗi đốt. Cơn sốt sẽ đến rồi đi một cách ngẫu nhiên và liên tục lặp đi lặp lại.
 
Những đợt sốt lần sau có cơn rét run dữ dội, run rẩy dữ dội cộng với đổ mồ hôi liên tục. Khi bệnh trở nên nghiêm trọng, cơn run rẩy có thể nặng tới mức gần như co giật.
 
Cơn ớn lạnh, rét run do sốt rét gây ra không thể khắc phục bằng cách đắp mền hay mặc quần áo ấm hơn. Người bệnh có biểu hiện đau đầu và đau cơ. Những triệu chứng thứ phát chỉ xảy ra sau khi các triệu chứng cơ bản xuất hiện, vì ký sinh trùng cần thêm thời gian để sinh sôi nảy nở trong gan và lây lan khắp cơ thể.
 
Khi ký sinh trùng đã bắt đầu lây nhiễm và phá hủy các tế bào hồng cầu, cơn đau sẽ dữ dội hơn, giống như chứng đau nửa đầu kèm nôn mửa và tiêu chảy.
 
Sau khi các triệu chứng cơ bản và thứ phát xuất hiện, nếu người bệnh vẫn không điều trị thì sẽ dẫn đến các triệu chứng nặng hơn. Một khi các triệu chứng nặng đã xuất hiện thì nguy cơ biến chứng và tử vong tăng đáng kể: co giật nhiều lần, hôn mê và suy nhược thần kinh; thiếu máu nặng, chảy máu bất thường, khó thở và suy hô hấp; vàng da; suy thận, suy gan; huyết áp rất thấp; lá lách to.
 
Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sốt rét mang tính quyết định trong phòng ngừa tử vong và phòng chống lây lan cho cộng đồng.
 
Bác sĩ Huỳnh Văn Vũ khuyến cáo: Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như: rét run, sốt nóng sau đó, vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thuốc điều trị được cấp miễn phí. CDC Cần Thơ đã cấp cơ số thuốc điều trị sốt rét cho các trung tâm y tế, bệnh viện.
 
Phòng bệnh sốt rét
 
Thường xuyên ngủ mùng, ngay cả ban ngày và mùng cần được tẩm hóa chất diệt muỗi. Buổi tối, khi làm việc phải mặc quần áo dài tay để phòng muỗi đốt, có thể sử dụng nhang xua muỗi, thuốc thoa đuổi muỗi.
 
Vệ sinh môi trường xung quanh, loại bỏ nơi trú ẩn của muỗi như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, không treo hay móc quần áo trên tường làm chỗ cho muỗi đậu, trú ẩn... Ngoài ra, có thể trồng hoặc đặt những loại cây: sả, húng thơm, hương thảo, cúc vạn thọ... giúp phòng chống và xua đuổi muỗi hiệu quả.
 
Bài, ảnh: H.HOA - (baocantho.com.vn)
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe