Công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc được hỗ trợ di chuyển từ nơi làm việc về các ký túc xá và ngược lại.
Phó Thủ tướng gửi lời cảm ơn đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã cùng nhau vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra trong hơn một năm qua. Hệ lụy dịch bệnh tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh, nhưng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Việt Nam vẫn có bước phát triển. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cũng phát huy tinh thần trách nhiệm, đóng góp nhiều nguồn lực vào cuộc chiến chống dịch như hỗ trợ vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, tích cực nghiên cứu các giải pháp phòng, chống dịch…
Phó Thủ tướng nêu rõ, vắc-xin phòng Covid-19 về Việt Nam chưa nhiều không phải vì chúng ta thiếu tiền, hay phải chờ xã hội hóa mà bởi vì nguồn cung khan hiếm. Chính phủ mong muốn người dân, doanh nghiệp đóng góp công sức, trí tuệ, rồi mới đến tiền bạc vào phòng, chống dịch nói chung, việc tiếp cận nguồn vắc-xin nói riêng. Chính phủ thành lập Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 để bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho việc tiêm vắc-xin phòng dịch cho người dân. Các doanh nghiệp, cá nhân có thể đóng góp vào thực hiện chiến lược vắc-xin không chỉ việc đóng góp vào Quỹ vắc-xin phòng Covid-19 mà còn bằng nhiều phương thức khác nhau, bảo đảm sử dụng các nguồn đóng góp công khai, minh bạch.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cần tạo mọi điều kiện để việc nhập khẩu vắc-xin thuận lợi, không để các tổ chức, doanh nghiệp có nguồn mua được vắc-xin mà lại không nhập về được. Nhưng những nguồn vắc-xin thông qua các tổ chức môi giới thì phải kiểm tra kỹ trước khi đề xuất với Bộ Y tế.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang. Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, số ca mắc của huyện Thuận Thành có xu hướng giảm, tuy nhiên, lại có xu hướng tăng ở TP Bắc Ninh… Tỉnh Bắc Ninh đang phối hợp chặt chẽ Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại Bắc Ninh thống nhất các phương án xử lý ổ dịch ở Thuận Thành và TP Bắc Ninh và xây dựng phương án có 3.000 giường bệnh. Theo Bộ phận thường trực đặc biệt Bộ Y tế tại Bắc Ninh, các lực lượng sẽ tập trung sàng lọc, xét nghiệm trên diện rộng để đánh giá nguy cơ và phát hiện các ca bệnh. Những đối tượng xét nghiệm sẽ được chia thành ba nhóm để phù hợp tình hình và tiết kiệm nguồn lực.
Tại Bắc Giang, các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân và một số người nhà, người tiếp xúc gần, được phát hiện trong các khu vực tập trung nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên và ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế. Tỉnh Bắc Giang đã tổ chức xây dựng phần mềm giám sát, quản lý dịch Covid-19 cho doanh nghiệp (đang triển khai thí điểm tại bốn doanh nghiệp trước khi triển khai trên toàn bộ các doanh nghiệp); triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng...
Phó Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp ngăn chặn không để dịch Covid- 19 lây lan. Tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tập trung quyết liệt dập ổ dịch ở Thuận Thành trong thời gian sớm nhất. Ðịa điểm nào đã khoanh vùng cách ly y tế thì phải kiểm soát thật nghiêm ngặt, giãn cách triệt để, không để "ngoài chặt, trong lỏng", dễ gây lây nhiễm chéo. Khu vực nào nguy cơ cao cần phải cách ly cứng theo Chỉ thị 16/CT-TTg đồng thời tập trung lực lượng xử lý dứt điểm, tránh dây dưa.
Hai tỉnh tiếp tục tập trung phòng, chống dịch trong các khu công nghiệp. Ðối với các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại theo hình thức công nhân ăn ở tại nhà máy, nhưng cần đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm và chỉ nên duy trì trong vòng hai tuần. Ðồng thời cũng cần triển khai thí điểm cách ly tại nhà; để công nhân tự lấy mẫu xét nghiệm, nhưng có sự phối hợp giám sát của lực lượng y tế, chính quyền địa phương và nhất là gắn trách nhiệm của chính các doanh nghiệp. Tiếp tục khuyến cáo những người đã tiêm vắc-xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Hai địa phương cũng cần triển khai sử dụng hệ thống tổng đài gọi điện tự động hỏi thăm sức khỏe của người dân để hỗ trợ tầm soát những trường hợp nguy cơ...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 846/QÐ-TTg bổ sung 48,4 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách T.Ư năm 2021 cho Bộ Y tế để mua năm xe xét nghiệm lưu động phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm về kiểm định chất lượng phòng xét nghiệm công-ten-nơ lưu động đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn chuyên môn, bảo đảm an toàn, hiệu quả; thực hiện mua sắm theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về tài sản công và các quy định của pháp luật có liên quan. Việc điều chuyển xe xét nghiệm lưu động cho Bộ Quốc phòng và Bộ Công an (nếu cần thiết) thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong ngày 4-6, Việt Nam ghi nhận thêm 224 ca mắc mới Covid-19, trong đó có năm ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Tây Ninh, Kiên Giang và 219 ca ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (141 ca), Bắc Ninh (47 ca ), TP Hồ Chí Minh (26 ca ), Hà Nội (4 ca), Thái Bình (1 ca); Trong những ca ghi nhận trong nước có bảy ca nghi nhận từ sàng lọc cộng đồng và 212 ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu vực đã được phong tỏa.
Tiểu ban Ðiều trị (Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) cho biết, trong ngày cũng đã có 157 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 373 người có kết quả xét nghiệm âm tính với vi-rút SARS-CoV-2 từ một đến ba lần. Tuy nhiên có thêm hai người bệnh thứ 50 và 51 chết có liên quan đến Covid-19. Người thứ 50 là nam 67 tuổi, có địa chỉ tại Giao Thủy, Nam Ðịnh ngày 3-6 với chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, nhiễm trùng huyết trên người bệnh ung thư phổi di căn não, mắc Covid-19. Người thứ 51 là nam, 63 tuổi, có địa chỉ huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương chết ngày 4-6 với chẩn đoán: sốc nhiễm khuẩn, viêm phổi ARDS do vi-rút SARS-CoV-2 trên người bệnh viêm cột sống dính khớp, gù vẹo cột sống.
Trong cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo về phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh chiều 4-6, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng số ca nhiễm Covid-19 trong những ngày gần đây trên địa bàn có dấu hiệu giảm. Thời gian tới, thành phố tiếp tục khoanh vùng, truy vết triệt để hơn các trường hợp đã tiếp xúc với những người tiếp xúc những người mắc bệnh.
Ngoài ra, thành phố cũng đề nghị người dân hết sức bình tĩnh trong việc thực hiện Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 (đối với quận Gò Vấp, phường Thạnh Lộc, quận 12) của Thủ tướng Chính phủ, không nên quá lo lắng vì tình hình vẫn đang được kiểm soát. Tuy vậy, người dân không được lơ là, mất cảnh giác. Các điểm phong tỏa cần được tổ chức một cách chắc chắn, bảo đảm chặt chẽ nhưng không quá máy móc. Ðồng thời yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm việc cung cấp danh sách các công nhân, nhân viên, đang làm việc tại nhà máy, xí nghiệp với đầy đủ thông tin để phục vụ cho mục đích truy vết khi cần thiết.
Chủ tịch UBND tỉnh Ðồng Nai ban hành văn bản hỏa tốc về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19, ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập vào địa phương. Theo đó, từ 0 giờ ngày 5-6, áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hoặc các cơ sở lưu trú trên địa bàn 21 ngày đối với tất cả người từ TP Hồ Chí Minh, đến Ðồng Nai tính từ ngày rời TP Hồ Chí Minh (trừ các đối tượng phải áp dụng các biện pháp cách ly khác theo hướng dẫn của ngành y tế). Ðồng thời, yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm vi-rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 và 14. Người về, đến từ TP Hồ Chí Minh liên hệ khai báo y tế tại trạm y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú để được hướng dẫn cách ly y tế tại nhà hoặc nơi lưu trú theo quy định...
Sau khi nhận được thông tin trường hợp người từ Hà Nội đến tỉnh Bến Tre có kết quả dương tính vi-rút SARS-CoV-2, tỉnh Bến Tre đã triển khai ngay bốn đội phản ứng nhanh đến các điểm truy vết những người diện F1, F2, F3. Cơ quan chức năng cũng tiến hành khử khuẩn quán ăn liên quan và cho dừng hoạt động từ 0 giờ ngày 4-6. Bên cạnh đó, tỉnh cũng cho tạm dừng hoạt động chào cờ, tham quan du lịch; dừng tất cả các phương tiện vận tải tuyến từ Bến Tre đến TP Hồ Chí Minh và ngược lại; phát động toàn dân và cộng đồng xã hội đóng góp tạo quỹ vắc-xin để tiêm phòng cho người dân trong tỉnh.
Thêm nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch
Ngày 4-6, thay mặt Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, đồng chí Ðỗ Văn Chiến, Bí thư T.Ư Ðảng, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19 từ Bộ Ngoại giao (500 triệu đồng), Ðài Tiếng nói Việt Nam (300 triệu đồng), Bộ Tư pháp (hơn 515 triệu đồng), Tập đoàn Mường Thanh (hai tỷ đồng). Ðồng chí Ðỗ Văn Chiến gửi lời cảm ơn tới Ban Cán sự đảng, lãnh đạo các bộ, ngành đã nhiệt thành hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước và Ðoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam. MTTQ Việt Nam cam kết sẽ sử dụng nguồn lực tiếp nhận được công khai, minh bạch, đúng mục đích và đúng quy định của pháp luật. Nguồn lực tiếp nhận được sẽ phân bổ tới Quỹ vắc-xin, phần còn lại sẽ hỗ trợ lực lượng nơi tuyến đầu và những người gặp khó khăn bởi dịch bệnh.
Cùng ngày, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận ủng hộ từ Bộ Tài nguyên và Môi trường số tiền 1,6 tỷ đồng; Học viện Chính trị Công an nhân dân số tiền 50,7 triệu đồng; Gia đình cháu Ðào Trung Hải ủng hộ 100 triệu đồng và 25 nghìn khẩu trang y tế…
* Theo phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Lào, trong hai ngày 3 và 4-6, tại thủ đô Viêng Chăn, Ðại sứ quán Việt Nam tại Lào tiếp nhận số tiền 30 nghìn USD do bạn bè Lào ủng hộ Việt Nam phòng, chống Covid-19. Tại buổi tiếp nhận ủng hộ do Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Khăm-bay Ðăm-lắt trao tặng, Ðại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng cảm ơn bạn bè Lào đã ủng hộ, động viên kịp thời Việt Nam trong phòng, chống dịch bệnh.
Tại trụ sở cơ quan Ủy ban Dân tộc, Công đoàn phối hợp với Văn phòng UBDT tổ chức phát động ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Ngay sau phát động, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn cơ quan đã đóng góp được 150 triệu đồng. Số tiền này sẽ được chuyển ngay tới Quỹ vắc-xin phòng Covid-19. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Công đoàn GTVT Việt Nam phát động quyên góp được 500 triệu đồng gửi đến Quỹ vắc-xin phòng, chống Covid-19. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Công đoàn Dầu khí Việt Nam vừa ủng hộ chương trình "Vắc-xin cho công nhân" với tổng số tiền là 2,7 tỷ đồng.
Hưởng ứng Chương trình ủng hộ Quỹ vắc-xin phòng Covid- 19 do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát động, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tham gia đóng góp 400 tỷ đồng. Trong khi đó, sau ba ngày phát động, có 36 tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân và nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền gần 12,4 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Tập đoàn Central Retail đã đến Ban công tác phía nam (Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), trao tặng 10 tỷ đồng cho chương trình tiêm chủng Covid-19. Trong đó, đóng góp 5 tỷ đồng vào Quỹ vắc-xin, 5 tỷ đồng còn lại sử dụng mua vắc-xin cho nhân viên của Central Retail tại Việt Nam nhằm giảm bớt gánh nặng ngân sách nhà nước.
Sáng 4-6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp nhận 30 máy xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở và vật tư tiêu hao phục vụ cho 2 triệu mẫu test của Tập đoàn Vingroup trao tặng, với tổng giá trị hơn 460 tỷ đồng (tương đương 20 triệu USD). Phương pháp xét nghiệm Covid-19 qua hơi thở có ưu điểm nổi bật là nhanh chóng, độ chính xác cao và không cần phải lấy dịch tỵ hầu, họng. Người được xét nghiệm chỉ cần thổi vào miệng van một chiều dùng một lần được kết nối với dụng cụ lấy mẫu hơi thở.
Máy xét nghiệm này sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát hiện những thay đổi sinh hóa trong hơi thở để phát hiện Covid-19, cho ra kết quả trong vòng chưa đầy một phút, với độ chính xác hơn 90%. Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, với thiết bị xét nghiệm này, công suất xét nghiệm sẽ tăng cao, góp phần giảm gánh nặng trong lấy mẫu xét nghiệm cho cán bộ, nhân viên y tế, giúp các cơ sở y tế, những nơi cần thực hiện tầm soát trên quy mô lớn triển khai xét nghiệm nhanh.
Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã làm việc trực tuyến với đại diện hãng Johnson & Johnson về vấn đề nhập khẩu vắc- xin phòng Covid-19 tại Việt Nam. Tại buổi làm việc Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Johnson & Johnson sớm có kế hoạch cung ứng vắc- xin Covid-19 cho Việt Nam, mặt khác cũng mong muốn được hợp tác với Johnson & Johnson về gia công và chuyển giao công nghệ để thiết lập nhà máy sản xuất vắc- xin tại Việt Nam.
Chiều 4-6, Trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 101 giường đặt tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang đã chính thức hoàn thiện đi vào hoạt động. Ðây là công trình rất có ý nghĩa đối với tỉnh Bắc Giang và ngành y tế khi đã có những "vũ khí", công cụ mới, hiện đại phục vụ cho công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19, nhất là những người bệnh nặng. Nhân lực vận hành trung tâm là những chuyên gia giỏi về hồi sức được chi viện từ nhiều bệnh viện như: Bạch Mai, T.Ư Huế, C Ðà Nẵng, Hữu Nghị, Ðà Nẵng… Trong thời gian tới lực lượng y tế Bắc Giang cũng có cơ hội học hỏi, tập huấn và sẵn sàng đảm nhận nhiệm vụ sau khi đội ngũ chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ trở về.
PV - (nhandan.vn)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Ðinh Tiến Dũng ban hành quyết định thành lập 15 đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19; kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2021-2022 trên địa bàn thành phố. Các đoàn có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, gắn với công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm học 2021-2022 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế; công tác tổ chức bầu cử thêm, bầu cử lại đại biểu HÐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026 tại các khu vực của thành phố bảo đảm an toàn, đúng tiến độ, đúng luật. Thành ủy giao các đoàn cần phát hiện kịp thời, giải quyết hoặc đề xuất, kiến nghị Ban Thường vụ Thành ủy và các cấp có thẩm quyền để chỉ đạo, giải quyết những khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.