Nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ xét nghiệm cho người dân quận 8.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sáng 2/7, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận, huyện triển khai mạnh mẽ đợt cao điểm phòng, chống dịch theo kế hoạch đã ban hành. Theo đó, các quận, huyện và TP Thủ Đức chú trọng công tác tổ chức thực hiện ở từng khâu, từng bộ phận để tạo thành sức mạnh tổng thể trong công tác phòng, chống dịch; các hoạt động cần căn cứ thực tiễn của địa phương và theo đúng phương châm “5 tại chỗ”. Đồng thời trong tình hình mới cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo, thay đổi phương thức, cách thức chỉ đạo để phù hợp thực tiễn. Đối với từng địa phương cần thực hiện việc chia nhóm nguy cơ (nguy cơ rất cao, nguy cơ cao và có nguy cơ) đến từng phường, xã, khóm, các điểm nóng để thực hiện các biện pháp phù hợp, hiệu quả giúp nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.
TP Hồ Chí Minh đặt mục tiêu trong 10 ngày (từ ngày 26/6 đến 5/7) sẽ tiến hành xét nghiệm cho khoảng 5 triệu người dân, trong đó các quận: 8, Tân Phú, Bình Tân, Bình Chánh và huyện Hóc Môn sẽ xét nghiệm cho toàn bộ người dân đang sinh sống trên địa bàn. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn (khu phố 14, phường 12, quận Gò Vấp) vừa đi xét nghiệm tối 1/7 cho biết: “Đây là lần thứ hai tôi đi xét nghiệm tầm soát Covid - 19 trong vòng hơn một tháng nay. Lần đầu là vào đầu tháng 6 khi quận Gò Vấp thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với lần xét nghiệm tầm soát trong đợt cao điểm này, tôi thấy mọi người dân trên địa bàn đều đồng tình ủng hộ chủ trương của thành phố, cho nên tham gia đầy đủ và thực hiện nghiêm hướng dẫn của ngành y tế. Hy vọng việc triển khai xét nghiệm trên diện rộng sẽ giúp cho thành phố sớm khoanh vùng, kiểm soát chuỗi lây nhiễm tốt hơn”.
Trong khi đó, anh Nguyễn Văn Phương (phường 9, quận 8) lần đầu được lấy mẫu xét nghiệm tầm soát Covid-19, chia sẻ: “Đây là dịp để kiểm tra sức khỏe bản thân, sức khỏe các thành viên trong gia đình mình. Điều quan trọng nhất, việc tổ chức xét nghiệm cho toàn dân không chỉ giúp đánh giá kịp thời nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn, mà còn giúp các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện người mắc Covid-19 trong cộng đồng để từ đó truy vết, khoanh vùng, dập dịch một cách hiệu quả nhất”.
Đáng mừng, tính đến ngày 30/6, toàn bộ người dân ở các quận, huyện có nguy cơ rất cao đều đã được xét nghiệm tầm soát. Ngoài ra, từ ngày 1 đến 5/7, các quận, huyện còn lại sẽ tiếp tục tăng tốc xét nghiệm cho người dân theo sự phân bổ và mức độ nguy cơ của từng đơn vị với số lượng 500 nghìn mẫu/ngày.
Để tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch đợt cao điểm này, UBND thành phố đã quyết định thành lập 22 tổ công tác đặc biệt để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã cử 48 nhân viên tham gia các tổ công tác này với nhiệm vụ hỗ trợ điều tra truy vết, can thiệp phòng, chống dịch tại cộng đồng. Giám đốc HCDC Nguyễn Trí Dũng cho biết, trong đợt cao điểm các lực lượng chức năng siết chặt việc cách ly hộ gia đình ở những khu vực bị phong tỏa như: Các hộ phải đóng cửa, không ai được ra khỏi nhà, chỉ trừ người có nhiệm vụ hoạt động trong khu phong tỏa; giám sát việc tuân thủ quy định trong khu phong tỏa, chuyển cách ly tập trung các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, trường hợp F1 nguy cơ cao được chuyển đi cách ly tập trung ngay và tổ công tác sẽ điều tra ngay các trường hợp tiếp xúc gần với F1 là F2 cần thực hiện nghiêm cách ly tuyệt đối tại nhà…
Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt thông tin: Bình Tân là một trong 5 địa phương được xếp vào nhóm nguy cơ rất cao; đồng thời là quận có số ca mắc Covid-19 nhiều nhất thành phố, với 711 ca mắc Covid-19. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, các phường trên địa bàn nhận thấy một số chợ không bảo đảm an toàn phòng dịch, người dân vẫn tập trung đông, chính quyền địa phương đã quyết định cho tiểu thương ngưng bán trong một thời gian, để thực hiện công tác phòng, chống dịch. Nếu các chợ bảo đảm công tác phòng dịch tốt thì sẽ linh hoạt cho hoạt động trở lại…
Bên cạnh lực lượng tại chỗ, thời gian qua, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tích cực hỗ trợ TP Hồ Chí Minh ứng phó dịch Covid-19, từ công tác truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm… Mới đây, tổ thực hiện cách ly, xử lý môi trường y tế của Bộ phận thường trực đã kiểm tra các biện pháp phòng, chống dịch tại một số khu cách ly trên địa bàn như Trường đại học Ngoại ngữ - Tin học TP Hồ Chí Minh (xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn), ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh... Qua kiểm tra đoàn đã có các góp ý cụ thể từ phân luồng đến vị trí chốt chặn của lực lượng bảo vệ, vị trí các buồng đệm cho nhân viên y tế…, cách bố trí khoảng cách giường xếp, phòng vệ sinh sử dụng chung; việc bố trí F0 trước khi chuyển viện… Đoàn kiến nghị UBND thành phố thành lập đoàn kiểm tra giám sát cấp quận, huyện để triển khai công tác kiểm tra, giám sát các khu cách ly tập trung trên địa bàn; nghiên cứu thành lập một cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng nằm tại khu B ký túc xá Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh trong trường hợp dịch bệnh bùng phát trên diện rộng... Tại các khu cách ly tập trung cần cơ cấu lại, chỉ sử dụng 80% công suất phòng cách ly F1 và bố trí đủ 20% số phòng để làm phòng cách ly cho đối tượng F0 và F1 nguy cơ cao…
Tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh còn rất phức tạp, khó lường. Nhưng với việc tăng mức độ các biện pháp, huy động sức mạnh của toàn dân, toàn hệ thống chính trị, sự hỗ trợ từ Bộ Y tế, TP Hồ Chí Minh hy vọng sẽ kiểm soát được dịch Covid-19 sau đợt cao điểm này, qua đó góp phần sớm ổn định tình hình, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép và bảo đảm an sinh xã hội.
HẢO TUYẾN - (nhandan.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)