Sáng 17-3, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Xử trí các vấn đề sức khỏe hậu Covid-19" với sự tham gia của các bác sĩ (BS), chuyên gia đến từ Bộ Y tế, Bệnh viện (BV) Bạch Mai (Hà Nội), BV Thống Nhất, BV Nhân dân Gia Định, BV Trưng Vương, BV Từ Dũ (TP HCM) và BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Chương trình - được sự tài trợ của Kim Oanh Group và Trần Anh Group - đã giải đáp gần 200 câu hỏi liên quan đến sức khỏe của những người đang và từng mắc Covid-19.
Giảm nguy cơ "hậu Covid-19" khi đang là F0
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10%-20% bệnh nhân Covid-19 trải qua các tác động trung và dài hạn sau thời gian mắc bệnh, bao gồm "Covid-19 kéo dài" và "hậu Covid-19".
Ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (đứng), phát biểu cảm ơn các bác sĩ, chuyên gia y tế tham gia buổi giao lưu trực tuyến .(Ảnh: TẤN THẠNH)
Trước hàng loạt câu hỏi của bạn đọc băn khoăn về các triệu chứng sau khi mắc Covid-19 liệu có phải là hội chứng "hậu Covid-19" hay không, các khách mời tham dự chương trình giao lưu trực tuyến nhận định: Một bệnh nhân được xác định mắc hội chứng "hậu Covid-19" nếu như đã khỏi bệnh hơn 4 tuần mà vẫn gặp một số bất thường về sức khỏe. Cảm giác mệt mỏi kéo dài từ lúc bệnh đến một thời gian sau khi đã âm tính không phải là "hậu Covid-19", song đây là giai đoạn quan trọng quyết định nguy cơ "hậu Covid-19" nhiều hay ít.
Theo TS-BS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Nội hô hấp - BV Nhân dân Gia Định, người đang trong giai đoạn Covid-19 cấp tính nên tập trung điều trị theo hướng dẫn của cơ quan y tế, giữ sức khỏe, ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi hợp lý, ăn uống đủ dinh dưỡng... và giữ tinh thần thoải mái, để giảm thiểu nguy cơ "hậu Covid-19". Bởi lẽ, nếu mắc bệnh không nặng, được điều trị đầy đủ, kịp thời thì khả năng bị "hậu Covid-19" là thấp.
BS chuyên khoa II Bùi Trọng Hợp, Trưởng Khoa Nhiễm - BV Trưng Vương, cho rằng cảm giác uể oải, mệt mỏi kéo dài 1 tuần - 10 ngày sau khi bệnh nhân âm tính không phải là "hậu Covid-19". Đây là tình trạng suy nhược cơ thể sau khi mắc bệnh nhiễm trùng. Để khắc phục, bệnh nhân cần chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, có thể bổ sung các loại multivitamin để đáp ứng nhu cầu hằng ngày, tập thể dục nhẹ nhàng và tập thở, làm việc, sinh hoạt điều độ.
Trước nỗi lo lắng của nhiều "cựu F0" về sức khỏe tình dục và mang thai, các BS khuyên: Sau khi khỏi Covid-19, nam giới có thể quan hệ tình dục bình thường. Tuy nhiên, có một số điểm lưu ý: Đối với nam giới có sử dụng Molnupiravir để điều trị, thuốc này có thể ảnh hưởng đến tinh trùng, vì vậy nam giới có hoạt động tình dục thì nên sử dụng một phương pháp tránh thai tin cậy trong thời gian điều trị và ít nhất 3 tháng sau liều Molnupiravir cuối cùng.
Còn đối với nữ giới thì khả năng thụ thai và khả năng làm tổ của trứng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Để hiểu rõ hơn vấn đề này, người trong cuộc cần liên hệ BS chuyên khoa hiếm muộn để được tư vấn đầy đủ hơn.
PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng Khoa Nhi - BV Bạch Mai, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ tinh thần thoải mái. Theo đó, cố gắng tự giải tỏa khỏi những lo âu về Covid-19 và cả những lo toan khác trong cuộc sống cũng là cách để tự làm giảm nguy cơ "hậu Covid-19". Nếu có vấn đề gì bất thường thì đi khám, còn nếu không có - cả người lớn và trẻ em - thì hãy yên tâm trở lại với cuộc sống trước đây.
Nhiều triệu chứng cần chữa trị kịp thời
Một số F0 nhiễm chủng Delta trước đây, nhất là bệnh nhân nặng, phải đối mặt các di chứng về phổi, tim… sau khi khỏi bệnh. Trong khi đó, nhiều F0 vừa khỏi bệnh gần đây cho biết họ hay gặp tình trạng mệt mỏi, uể oải, hụt hơi, mất ngủ, đãng trí, kém tập trung.
BS chuyên khoa II Nguyễn Duy Cường, Phó trưởng Khoa Hô hấp - BV Thống Nhất kiêm Trưởng Khoa Bệnh nặng - BV Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 đa tầng quận Tân Bình, giải thích: "Theo WHO, "hậu Covid-19" khởi phát và thường kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể giải thích bằng chẩn đoán khác, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội. WHO đã thống kê hơn 200 triệu chứng "hậu Covid-19", phổ biến là mệt mỏi, khó thở, rối loạn chức năng nhận thức (không tập trung, khó ngủ, hay quên)".
BS Cường cho biết tùy vào triệu chứng mà khi bệnh nhân đến thăm khám, BS sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Tuy nhiên, có những phương pháp chung mà ai cũng làm được như: tập thể dục thường xuyên và điều độ, vừa sức; bảo đảm dinh dưỡng; tập thở; sắp xếp công việc hằng ngày, giảm những việc không cần thiết để tiết kiệm năng lượng.
Nhiều bạn đọc than bị mất ngủ, uống một số thảo dược mà không đỡ... TS-BS Lê Thị Thu Hương giải đáp: "Sau khi mắc Covid-19, một số bệnh nhân bị rối loạn giấc ngủ với nhiều hình thức như: khó ngủ, buồn ngủ, giấc ngủ không ổn định, khó đi vào giấc ngủ… Tình trạng mất ngủ trong thời gian bị bệnh cũng khiến cơ thể cần ngủ bù. Nếu tình trạng buồn ngủ chỉ gây đôi chút mệt mỏi ngắn hạn thì chỉ cần cố gắng điều chỉnh giờ ngủ. Nếu tình trạng này ảnh hưởng đến công việc, kéo dài hoặc có triệu chứng khác như ngáy... thì nên đi khám".
Theo BS Bùi Trọng Hợp, triệu chứng nhịp tim nhanh, tăng khi vận động dẫn đến bệnh nhân có cảm giác hụt hơi. Những triệu chứng này thường liên quan rối loạn thần kinh tự động; còn các vấn đề như thấy mình đãng trí, nhớ nhớ quên quên, khó tập trung khi học tập, làm việc… gọi là sương mù não. Nhìn chung, khi đối mặt sự bất thường kéo dài thì bệnh nhân nên đến cơ sở y tế có phòng khám "hậu Covid-19".
Một số người gặp những triệu chứng có tính dai dẳng khác là ho, mất hoặc giảm mùi, vị sau khi mắc Covid-19. Theo TS-BS Cao Thị Mỹ Thúy, Trưởng Khoa Nội hô hấp - BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ, người bị ho kéo dài, uống thuốc hay làm gì cũng không khỏi thì nên đi khám để được đánh giá nguyên nhân gây ra và có cách xử trí thích hợp. Nhằm cải thiện nhanh sự thay đổi khứu giác/vị giác, nên đến BS tai mũi họng khám để được hướng dẫn điều trị bằng thuốc thích hợp, kết hợp hít hương liệu để phục hồi khứu giác.
Chưa thể chủ quan
Theo PGS-TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, hiện nay, một số địa phương vẫn chưa tiêm vắc-xin cho toàn bộ người dân. Vì vậy, trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 có thể tiếp tục tăng. Vấn đề cơ bản là số người tử vong không tăng, tỉ lệ tử vong giảm mạnh.
PGS-TS Nguyễn Huy Nga cho rằng phải mất một thời gian nữa, dịch Covid-19 mới có thể giảm dần. Trong những ngày tới, số ca mắc có thể tăng cao, sau đó mới giảm xuống. Những thành phố như Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng đã bắt đầu giảm, như Hà Nội đã qua đỉnh.
Tuy nhiên, vẫn chưa thể chủ quan và việc chừng nào có thể xem Covid-19 như bệnh đặc hữu vẫn đang còn nhiều ý kiến tranh cãi. Trong giai đoạn hiện tại, một số biện pháp phòng bệnh nhằm giảm số ca lây nhiễm như 5K, một số biện pháp kiểm dịch ở cửa khẩu vẫn cần thiết.
Bình tĩnh chăm sóc thai phụ, trẻ em
Các tác động của Covid-19 đối với kế hoạch có con, với thai nhi, trẻ sơ sinh và trẻ em là chủ đề được nhiều bạn đọc quan tâm tại buổi giao lưu trực tuyến.
Trả lời một số thắc mắc về việc có con sau khi mắc Covid-19, BS chuyên khoa II Bùi Văn Hoàng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp - BV Từ Dũ, tư vấn: Việc lên kế hoạch sinh con sau khi mắc Covid-19 tùy thuộc nhiều yếu tố: tình trạng sức khỏe của 2 vợ chồng, việc có sử dụng thuốc kháng virus trong thời gian mắc bệnh hay không, việc chuẩn bị tâm lý và cả sức khỏe cho 2 vợ chồng.
Các bác sĩ, chuyên gia trả lời câu hỏi của bạn đọc cả nước qua Báo Người Lao Động điện tử .(Ảnh: TẤN THẠNH)
Nếu vợ, chồng hoặc cả 2 có sử dụng thuốc kháng virus, cụ thể là Molnupiravir, thì không nên có thai trong vòng 3 tháng sau khi uống thuốc này. Phụ nữ chuẩn bị mang thai cũng nên khám sức khỏe tổng quát và sản phụ khoa để đánh giá sức khỏe trước khi mang thai, đồng thời để được BS tư vấn bổ sung thuốc uống nhằm tăng cường sức khỏe và ngăn ngừa dị tật cho em bé. Vì vậy, các cặp vợ chồng vừa trải qua Covid-19 nên đi khám sức khỏe để được tư vấn kỹ trước khi có kế hoạch mang thai.
Trước lo ngại về việc Covid-19 - một căn bệnh siêu vi - ảnh hưởng đến thai nhi, BS Bùi Văn Hoàng cho hay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy Covid-19 sẽ gây hại cho em bé. Tuy nhiên, nếu người mẹ để sức khỏe bị ảnh hưởng, mắc bệnh nặng thì có thể gián tiếp ảnh hưởng đến con. Do đó, thai phụ và người trong độ tuổi sinh sản nên tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 - công cụ hữu hiệu nhất để chống lại bệnh Covid-19 trở nặng, một tình trạng từng đe dọa rất nhiều thai phụ và thai nhi.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, khi chăm sóc trẻ em mắc Covid-19, ngoài việc giúp trẻ giảm các triệu chứng, phụ huynh cũng cần bình tĩnh. "Trẻ rất nhạy cảm. Vì vậy, nếu bạn lo lắng quá thì con mình cũng biết và có thể "lây" sự lo lắng của cha mẹ. Cha mẹ phải làm gương cho con để giảm bớt sự lo lắng hoặc nếu có thì không nên thể hiện cho con biết" - ông khuyên.