PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, Đại học Y dược TPHCM cho biết, với tình hình người dân được tiêm vaccine ngừa COVID-19 và dù có nhiễm lần thứ 2 thì tỷ lệ chuyển nặng rất thấp, chính vì vậy đây không phải là thời điểm lo sợ.
“Hiện nay, chúng ta có đầy đủ vaccine, thuốc điều trị phân phối từ trạm y tế, bệnh viện, nhà thuốc, các bệnh viện không còn bị quá tải. Chúng ta đã chủ động, vậy quá lo sợ điều gì?
Người mắc COVID-19 hết bệnh đến bệnh viêm làm xét nghiệm xác định âm tính. Ảnh: NL
Mặt khác, vì lượng F0 hiện nay quá lớn, nếu F0 nghỉ làm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động chung, năng suất lao động. Vì vậy, theo tôi việc cho phép F1, F0 đi làm là hoàn toàn phù hợp với điều kiện thực hiện tốt 5K”.
Đồng quan điểm với PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, BS Trương Hữu Khanh – Chuyên gia dịch tễ cũng cho rằng: “Hiện nay, có nhiều F0 nhẹ không có triệu chứng nên không biết mình dương tính và vẫn đi làm bình thường. Điều này cho thấy, chỉ cần người mang bệnh đeo khẩu trang và thực hiện chặt 5K tại nơi làm việc thì khả năng lây nhiễm rất thấp, thậm chí là không có”.
Tuy nhiên, bác sĩ Khanh cũng cho biết, nếu thực sự cho F0 đi làm thì cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, hãy giao quyền quản lý F0 đi làm cho công ty vì chính họ mới hiểu được hình thức và mô hình làm việc tại công ty sao cho an toàn. Thứ hai, tất cả việc F0 đi làm là phải tự nguyện và có sự thoả thuận giữa hai bên, không nên bắt buộc F0 đi làm vì có nhiều người họ mệt thật nhưng vì quy định nên vẫn cố gắng đi, điều này không nên".
Cũng theo dõi tình hình dịch tễ suốt thời gian qua, ThS.BS Đỗ Cao Vân Anh - Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TPHCM) cho biết, đề xuất cho F0, F1 đi làm là phù hợp trong bối cảnh hiện tại.
Bác sĩ Vân Anh lấy ví dụ, với ngành y tế, F0 đi làm là chuyện đã diễn ra ngay trong mùa dịch: "Khi nhân viên y tế là F0, không có triệu chứng, đủ sức khỏe, chúng tôi vẫn bố trí làm việc trong khu điều trị COVID-19. Nếu như khi đó ai mắc COVID-19 cũng nghỉ việc thì sẽ vô cùng thiếu người, không thể nào chăm sóc được bệnh nhân F0. Công việc vô cùng nhiều. Do đó, chuyện F0 đi làm không phải là xa lạ với ngành y".
Bên cạnh đó, trong trường hợp thân nhân cũng mắc COVID-19, một số bệnh viện sẽ tạo điều kiện được vào chăm sóc F0.
Ví dụ như tại Khoa COVID-19 của Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 TPHCM, có thời điểm gần 50% bệnh nhân là người lớn đi kèm chăm con F0. Các bác sĩ sẽ điều trị cho cả người lớn nếu có triệu chứng, mệt mỏi.
“Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh, phải phù hợp với từng ngành nghề, từng điều kiện làm việc của F0”, bác sĩ Vân Anh cho biết.
Nhận định tuỳ từng ngành nghề và điều kiện mỗi cá nhân là đúng. Bởi theo các chuyên gia khó có thể áp dụng đại trà. Đặc biệt như nơi có nhiều người nguy cơ thì không thể áp dụng.
PGS Phúc ví dụ như tại khoa Tim mạch trẻ em, nếu nhân viên y tế mắc COVID-19 bắt buộc phải nghỉ theo quy định. Vì tại đây, trẻ em mắc bệnh tim mạch, tim bẩm sinh, yếu ớt, nếu không may bị lây COVID-19 từ người lớn sẽ rất nguy hiểm.
Do đó, có 2 điều kiện cơ bản để F0 đi làm bình thường là đủ sức khỏe và 5K. Yêu cầu quan trọng là từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động áp dụng.