Việt Nam đã thích ứng an toàn với Covid-19?

Thứ hai, 09 Tháng 5 2022 09:44 (GMT+7)
Cách ứng phó với dịch Covid-19 đã có nhiều thay đổi để hướng tới "hoàn toàn bình thường", dần dần xem Covid-19 như "bệnh lưu hành"
 
Tối 6-5, trận bóng đá khai mạc SEA Games 31 với hơn 22.000 người đến sân vận động tại tỉnh Phú Thọ cổ vũ đội tuyển U23 Việt Nam là một minh chứng cho việc nước ta đang dần mở cửa hoàn toàn và thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
 
Dễ thở khi cuộc sống trở lại bình thường
Đến Sân vận động TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ xem trận bóng đá U23 Việt Nam - U23 Indonesia, anh Trần Văn Đức (ngụ TP Hà Nội) hào hứng: "Đã hơn 2 năm nay, tôi mới được trải qua cảm giác mở tung lồng ngực vì được hò hét, cổ vũ hết mình như vậy. Không chỉ vui vì đội nhà giành thắng lợi tới 3-0, tôi còn cảm thấy mọi bực bội, ức chế sau thời gian dài ru rú ở nhà do dịch Covid-19 đã được thổi bay qua tiếng hò hét và cười đùa với bạn bè".
 
Đức cho biết nhà anh có cả người già, trẻ em nên suốt đợt dịch Covid-19 vừa qua, lúc nào vợ chồng anh cũng rơi vào cảm giác căng thẳng, lo lắng. Không đi làm thì không có thu nhập, mà đi làm thì lúc nào cũng sợ mang Covid-19 về nhà.
 
"Các con bị bắt ở trong nhà lâu ngày cũng "phát rồ" nên quấy phá bố mẹ, trở nên bướng bỉnh, khó bảo. Mỗi lần giám sát con học online rồi kèm thêm học ở nhà, vợ chồng tôi muốn stress nặng. Công việc cũng vì dịch Covid-19 mà khó khăn - lương, thưởng giảm, cuộc sống eo hẹp, tằn tiện… Đủ các loại áp lực khiến vợ chồng tôi nhiều lúc không thở nổi. Giờ thì tốt rồi, con được đến trường, bố mẹ được đi du lịch, vợ được đi cà phê hay tập yoga, tôi thì được đi cổ vũ bóng đá…" - anh Đức tươi cười.
 
Việt Nam đã thích ứng an toàn với Covid-19? - Ảnh 1.
Dịch Covid-19 được khống chế, người dân yên tâm vui chơi tại các địa điểm công cộng Ảnh: HOÀNG TRIỀU
 
Vừa có chuyến du lịch từ Phú Quốc về Hà Nội, chị Mai Hồng Ngọc (ngụ TP Hà Nội) vui vẻ: "Ra sân bay, đến khách sạn hay khu du lịch không còn phải khai báo y tế rắc rối, tâm lý cũng không còn cảm thấy căng thẳng. Việc tụ tập, trò chuyện với bạn bè đã như xưa. Đi du lịch mà bịt mặt kín mít, đứng cách ly, không tụ tập thì còn gì là giải trí, thư giãn…".
 
Theo chị Ngọc, gần đây, khi đến bệnh viện khám bệnh, chị không còn phải khai báo y tế hay làm xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Về chuyện đeo khẩu trang hay rửa tay, không nhắc thì nhiều người vẫn tự ý thức vì việc này không chỉ phòng Covid-19 mà còn nhiều bệnh lây nhiễm khác. "Tôi cảm thấy như mình đã "đi qua trận chiến" và giành lại cuộc sống bình thường cho mình sau dịch Covid-19" - chị ví von.
 
Nhiều "hàng rào" đã được dỡ bỏ
Theo thống kê của Bộ Y tế, dịch Covid-19 đã giảm sâu và duy trì ổn định với khoảng 3.000-4000 ca mắc mới mỗi ngày suốt 2 tuần qua. Tính đến ngày 6-5, trung bình số người mắc Covid-19 trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 3.696 ca/ngày, số ca tử vong là 2, số người bệnh nặng dưới 500 ca. Đến nay, cả nước đã tiêm gần 215,4 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19 các loại.
 
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định vắc-xin ngừa Covid-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong việc giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến thể Omicron. Bộ Y tế nhận định hiện nay dịch Covid-19 tại nước ta đã được kiểm soát trên toàn quốc với số ca mắc, tử vong giảm rõ rệt.
 
Theo các chuyên gia y tế, thời gian qua, dịch Covid-19 đang dần dần không còn nghiêm trọng như thời kỳ trước. Do đó, Việt Nam đã có nhiều văn bản, hướng dẫn dỡ bỏ các "hàng rào" mà chúng ta dựng lên để phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian trước.
 
Để chuẩn bị cho SEA Games 31, Bộ Y tế đã có văn bản thông báo tất cả người nhập cảnh tham dự sự kiện này đều không phải khai báo y tế. Trước đó, Bộ Y tế đã yêu cầu các tỉnh, thành phố tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế tại tất cả cửa khẩu đối với người nhập cảnh từ ngày 27-4. Từ ngày 30-4, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo những cơ quan liên quan tạm dừng việc áp dụng khai báo y tế nội địa (di chuyển, nơi công cộng, nhà hàng...).
 
Trong đợt thi tốt nghiệp THPT tới đây, Bộ Y tế đang đề xuất thí sinh thuộc diện F1 được tham dự như các thí sinh khác. Thí sinh thuộc diện ca bệnh giám sát (ca bệnh nghi ngờ) được tham dự kỳ thi tại phòng riêng. Thí sinh là F0 đang điều trị tại cơ sở y tế, không tham dự được kỳ thi thì Bộ Y tế đề xuất được đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT.
 
Như vậy, hiện nay, trừ các ca Covid-19 nặng điều trị ở bệnh viện, cuộc sống đã trở lại bình thường và gần như không còn "hàng rào" với bất cứ hoạt động nào. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi "đã đến lúc xem Covid-19 là bệnh lưu hành hay chưa?", Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng dù dịch bệnh hiện được kiểm soát tốt song Việt Nam vẫn đang chuyển tiếp giữa giai đoạn đại dịch sang giai đoạn bệnh lưu hành.
 
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới và các tổ chức quốc tế, các quốc gia khác theo dõi tình hình dịch cũng như cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ quyết định xem Covid-19 là bệnh lưu hành vào thời điểm thích hợp. Với nguyên tắc phòng dịch 5K, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh sẽ được áp dụng linh hoạt, trong đó duy trì thường xuyên 2K là khẩu trang - khử khuẩn. 
 
Nên chuyển Covid-19 thành bệnh nhóm B
Theo PGS-TS Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội, đa số ca mắc Covid-19 hiện nay đều không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, số ca mắc giảm mạnh, số tử vong rất ít, kinh tế - xã hội đã mở cửa hoàn toàn.
Ông Hùng cho rằng có thể nhận thấy Covid-19 không còn là bệnh quá nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như hoạt động kinh tế - xã hội. Do đó, cần có xu hướng dần chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Nguyên tắc 5K phòng dịch cũng nên thay đổi thành 3K (khẩu trang - khử khuẩn - không khí sạch).
PGS-TS-BS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng Khoa Y tế công cộng - Trường ĐH Y Dược TP HCM:
Nguy cơ lây nhiễm hiện rất thấp
Bỏ khai báo y tế là phù hợp vì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 ở Việt Nam hiện rất thấp. Bên cạnh đó, lợi ích của khai báo y tế không còn rõ ràng bởi số lượng khai rất lớn trong khi số người nhiễm thấp hơn, làm mất thời gian, năng suất lao động của người dân.
Về cơ bản, chúng ta đã đạt miễn dịch cộng đồng nên nguy cơ bị đe dọa từ Covid-19 không lớn. Việc khai báo y tế cần dựa vào sự tự giác của từng người và không có biện pháp chế tài khi có sự khai báo sai. Người nào có triệu chứng thì tự xét nghiệm, khám Covid-19 trước. Nếu không nhiễm bệnh thì có thể đến các cơ sở khám, điều trị như bình thường.
Về khai báo y tế cho người nhập cảnh, có thể ngưng một thời gian nhưng lâu dài thì nên thiết lập lại. Hiện các quốc gia như Pháp, Mỹ, Singapore... vẫn khai báo y tế, thậm chí khai báo nội địa khi di chuyển bằng máy bay vẫn còn. Khi có người ở vùng khác tới, khả năng xuất hiện biến chủng mới sẽ cao hơn. Do đó, giữ lại khai báo nhập cảnh sẽ dễ dàng quản lý.
PGS-TS-BS PHÙNG NGUYỄN THẾ NGUYÊN, Trưởng Khoa Covid-19 Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM):
Cần ý thức tự giác của mỗi người
Khai báo y tế trong giai đoạn "Zero Covid-19" ở đợt dịch lần thứ 1, 2, 3 có hiệu quả. Tuy nhiên, từ đợt dịch thứ 4, khai báo y tế không còn hiệu quả bởi sự lây lan nhanh hơn so với tiến độ truy vết của biến chủng mới. Biến chủng hiện nay chủ yếu nhẹ, không có nhóm nặng hơn. Do đó, nếu nhiễm chủng khác cũng không nặng hơn và hệ thống y tế không quá tải, cũng như khả năng phát tán biến chủng mới tại Việt Nam không cao.
Việc dừng khai báo y tế cả nội địa lẫn nhập cảnh sẽ không xảy ra vấn đề gì, bởi hầu hết người nhập cảnh đã được tiêm 2 mũi vắc-xin ngừa Covid-19 nên khả năng lây ít. Việc tuân thủ khoảng cách là khó, bởi hiện nay các hoạt động sản xuất - kinh doanh đã bình thường. Phòng ngừa Covid-19 hiện tại phụ thuộc ý thức tự giác của mỗi người.
H.Yến ghi
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe