Bệnh nhân đầu tiên được tiêm virus diệt 5 loại ung thư

Thứ tư, 25 Tháng 5 2022 10:15 (GMT+7)
Loại thuốc đặc biệt dựa trên virus oncolytic được biến đổi gien, "thiết kế" lại để lây nhiễm có chọn lọc, chỉ gây hại cho tế bào ung thư và không ảnh hưởng đến tế bào lành.
 
Theo Science Alert, ứng cử viên thuốc trị ung thư mới có tên CF33-hNIS (còn gọi là Vaxinia),dựa trên tính năng xâm nhập vào các tế bào nhiễm bệnh, tự nhân đôi rồi làm tế bào "phát nổ" của virus oncolytic đã sửa đổi.
 
Khi một tế bào bệnh nổ tung vì virus oncolytic, nó sẽ giải phóng hàng nghìn hạt virus mới hoạt động như kháng nguyên, kích thích hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư lân cận.
 
Thuốc được đồng phát triển bởi trung tâm nghiên cứu và chăm sóc ung thư City of Hope ở Los Angeles (Mỹ) và công ty công nghệ sinh học Imugnene (trụ sở chính tại Úc).
 
Bệnh nhân đầu tiên được tiêm virus diệt 5 loại ung thư - Ảnh 1.
Ảnh đồ họa mô tả cách virus được sửa đổi lây nhiễm vào tế bào ung thư, nhân lên bên trong tế bào rồi làm "vật chủ" phát nổ, tiếp tục giải phóng vô số hạt virus có tác dụng như kháng nguyên - Ảnh: DAILY MAIL
 
CF33-hNIS đã thành công trong 2 giai đoạn thử nghiệm tại phòng thí nghiệm và trên động vật. Hiện nay bệnh nhân đầu tiên đã nhận được mũi tiêm khởi đầu cho thử nghiệm lâm sàng.
 
Nhóm nghiên cứu cho biết dự kiến có 100 bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 này. Họ là người trưởng thành, có khối u rắn di căn hoặc tiến triển, đã thử ít nhất 2 phương pháp điều trị tiêu chuẩn trước đó.
 
Nếu kết quả sớm thành công, thuốc virus diệt ung thư này được coi là an toàn và dung nạp tốt, các thí nghiệm bổ sung sẽ được tiến hành nhằm kiểm tra khả năng nó kết hợp với pembrolizumab, một phương pháp điều trị ung thư dựa trên hệ miễn dịch hiện đại khác.
 
Theo Daily Mail, CF33-hNIS đã được chứng minh là phát huy hiệu quả trên 5 loại ung thư trong các thử nghiệm trước đó: ung thư ruột kết, phổi, vú, buồng trứng và tuyến tụy.
 
Điều trị ung thư theo cách dựa vào hệ miễn dịch bằng những phương pháp "nhắm trúng đích" đang là mục tiêu theo đuổi của các bác sĩ và nhà khoa học trong lĩnh vực ung thư khắp thế giới bởi có ưu điểm giúp việc điều trị triệt để hơn giúp bệnh nhân bảo tồn được các tế bào lành và giảm tác dụng phụ so với các phương pháp truyền thống.
 
Nếu thành công, CF33-hNIS sẽ là phương pháp điều trị ung thư dựa trên virus thứ 2 trên thế giới được FDA chấp thuận. Trước đó có thuốc Talimogene laherparepvec (T-VEC), một phiên bản sửa đổi của virus herpes simplex, đã được sử dụng trong điều trị ung thư hắc tố (một loại ung thư da).
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe