Người dân mang chó đến tiêm vaccine phòng ngừa bệnh dại tại thành phố Bến Tre.
Số người tử vong do bệnh dại gia tăng
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại, chiếm số lượng cao nhất cả nước. Hầu hết, các trường hợp tử vong đều không chích ngừa sau khi bị chó, mèo cắn hay liếm vào vết thương.
Mới đây nhất là trường hợp ông N.V.T (ngụ xã Thuận Điền, huyện Giồng Trôm) tử vong ngày 27/6. Trước đó ông T. chuyên giao hàng tạp hóa, đi lại rất nhiều nơi và bị chó cắn nhưng không biết nên không đi tiêm vaccine. Khi phát bệnh, gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu, xét nghiệm dương tính với virus dại.
Bác sĩ Phạm Tuấn Hải, Trưởng trạm y tế xã Thuận Điền cho biết: “Đây là trường hợp đầu tiên sau hơn 30 năm trên địa bàn mới xuất hiện 1 trường hợp tử vong do bệnh dại, do người này không biết mình bị chó cắn.
Sau đó, địa phương đã phát động tiêm ngừa cho toàn bộ đàn chó, mèo trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân đến tận các tổ nhân dân tự quản tiêm ngừa khi bị chó, mèo cắn”.
Trước đó, cuối tháng 1/2022, tại xã Phú Túc (huyện Châu Thành) xảy ra 1 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh dại khiến người dân rất lo lắng. Đó là trường hợp bà Đ.T.H bị chó cắn nhưng không chích ngừa. Đến ngày 25/1/2022 thì phát bệnh và tử vong ngay ngày hôm sau.
Sau khi xuất hiện ca tử vong do bệnh dại, Ủy ban nhân dân xã Phú Túc đã có tờ trình xin hỗ trợ vaccine để tiêm trên đàn chó, mèo tại địa phương. Đến nay, đã tiêm 100% tổng đàn chó, mèo nuôi trên địa bàn với hơn 1 nghìn con.
Bà Võ Ngọc Hạnh, Cán bộ phụ trách phòng, chống dại (Trung tâm Y tế huyện Châu Thành) cho biết: “Năm 2021 toàn huyện chỉ có 1 ca tử vong do bệnh dại nhưng mấy tháng đầu năm 2022 đã có 3 ca tử vong. Nguyên nhân là do người dân chủ quan, khi bị chó cắn không đi tiêm ngừa.
Khó khăn hiện nay là ở Trung tâm Y tế huyện không có vaccine dại nên khi người dân bị chó, mèo cắn đến liên hệ được cán bộ chỉ hướng dẫn đến Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để tiêm ngừa.
Hiện, địa phương đang tập trung tuyên truyền vận động người dân tiêm ngừa trên đàn chó, mèo và người dân khi bị chó, mèo cắn phải đến ngay cơ sở y tế để sơ cứu vết thương, hướng dẫn tiêm ngừa kịp thời”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bến Tre, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 12 trường hợp tử vong do bệnh dại tại 7/9 huyện, thành phố. Tổng số mẫu bệnh phẩm dương tính với virus dại trên động vật là 8/8 mẫu, số người phơi nhiễm với virus dại trên địa bàn tỉnh là 11.235 người.
Phó Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: “Chó, mèo trên địa bàn chủ yếu được nuôi với số lượng nhỏ, lẻ để giữ nhà, làm thú cưng.
Việc nuôi chó theo phương thức thả rông chiếm tỷ lệ cao, nhất là ở nông thôn. Ở thành thị người dân có ý thức hơn trong việc đăng ký, quản lý. Tuy nhiên, việc nuôi nhốt, xích, đeo rọ mõm khi ra đường chưa thực hiện triệt để, gây nguy hiểm cho cộng đồng. Tâm lý của người dân cũng còn chủ quan lơ là nên để xảy ra các trường hợp tử vong trong thời gian qua”.
Tập trung tiêm ngừa phòng, chống bệnh dại
Trong thời gian qua, các cấp, các ngành đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân tiêm vaccine trên đàn chó, mèo. Người dân có ý thức hơn trong việc tiêm ngừa vaccine trên vật nuôi của gia đình mình.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, ngụ xã Mỹ Thạnh An (thành phố Bến Tre) nuôi 4 con chó và 1 con mèo. Cứ 8 tháng 1 lần, bà mang chó, mèo đến cơ quan thú y để tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại. Bà Hằng cho biết: “Gia đình tôi nuôi chó, mèo để giữ nhà, bắt chuột và là thú cưng. Từ trước đến nay gia đình luôn tuân thủ tiêm vaccine trên chó, mèo đúng định kỳ để bảo vệ vật nuôi và không lây bệnh dại cho người nhà cũng như hàng xóm xung quanh”.
Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bến Tre Trần Quang Thái cho biết: “Tổng đàn chó, mèo trên địa bàn tỉnh khoảng 211.700 con, đã được tiêm vaccine phòng, chống bệnh dại còn thời gian miễn dịch bảo hộ 99.950 con. Để phòng chống bệnh dại, từ nay đến năm 2025 phải tiêm phòng đạt tỷ lệ 70%; từ 2025-2030 phải tiêm 80% tổng đàn.
Thực hiện các giải pháp không để vật nuôi thả rông nơi công cộng, đi ra ngoài phải có dây xích, rọ khớp mỏ; đồng thời người bị chó cắn tuyệt đối phải đi tiêm phòng, điều trị dự phòng.
Thực hiện các giải pháp không để vật nuôi thả rông nơi công cộng, đi ra ngoài phải có dây xích, rọ khớp mỏ; đồng thời người bị chó cắn tuyệt đối phải đi tiêm phòng, điều trị dự phòng.Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bến Tre Trần Quang Thái
Đồng thời, củng cố các đội tiêm phòng tại các xã, phường, thị trấn; củng cố thành lập các địa điểm cố định tiêm vaccine phòng bệnh dại trên chó mèo tại các huyện, thành phố; tập trung tuyên truyền và nâng cao nhận thức người dân về phòng, chống bệnh dại trên người và động vật”.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh cho biết, đã kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các đoàn thể và toàn thể nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ việc phòng, chống bệnh dại bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.
Trước hết, cần làm tốt công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức và đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, các cộng đồng dân cư, từng gia đình và mỗi người dân về nguy cơ, sự nguy hiểm, tác hại của bệnh dại để nâng cao ý thức của người dân, không chủ quan lơ là với căn bệnh này.
Khi bị chó, mèo cắn, cần đến ngay các cơ sở y tế để khám, tư vấn, tiêm vaccine, huyết thanh phòng bệnh dại đầy đủ, đúng lịch. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hành vi, phương pháp phản khoa học trong vấn đề chữa trị bệnh dại.
Cần đẩy mạnh tiêm phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo nuôi, phấn đấu đạt từ 80% tổng đàn trở lên và duy trì bền vững; 100% người bị chó, mèo cắn đều được tiêm phòng đúng quy định, hướng tới mục tiêu không còn người chết vì bệnh dại vào năm 2030.