Có vắc-xin phòng ngừa các bệnh ung thư trước năm 2030?

Thứ tư, 19 Tháng 10 2022 13:33 (GMT+7)
Thế giới chỉ vài năm nữa sẽ có vắc-xin phòng ngừa các bệnh ung thư, theo cặp vợ chồng nổi tiếng đứng sau vắc-xin Pfizer/BioNtech phòng COVID-19.
 
"Phương pháp mới loại bỏ ung thư hoặc thay đổi cuộc sống của bệnh nhân ung thư đang nằm trong tầm tay của chúng tôi" - nữ giáo sư Ozlem Tureci nói với BBC News.
 
Còn chồng bà là giáo sư Ugur Sahin, người đồng sáng lập công ty dược phẩm BioNTech của Đức, tin rằng "vắc-xin phòng ngừa ung thư có thể được phổ biến rộng rãi trước năm 2030".
 
Cặp vợ chồng giáo sư này thành lập BioNTech vào năm 2008, ban đầu để sản xuất và phát triển các liệu pháp miễn dịch ung thư, sử dụng công nghệ mRNA. Tuy nhiên, khi đại dịch xảy ra, họ đã điều chỉnh công nghệ này để tạo ra một trong những loại vắc xin COVID-19 đầu tiên và hiệu quả nhất.
 
Các nhà khoa học đã nghiên cứu vắc-xin ung thư trong nhiều thập kỷ qua. Một cách tiếp cận là dạy hệ thống miễn dịch nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư - lý tưởng nhất là ngăn ngừa ung thư phát triển ngay từ đầu.
 
Ngoài ra, còn có các loại vắc-xin khác được nghiên cứu để điều trị cho những người đã mắc bệnh ung thư, bao gồm một loại vắc xin đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận cho những bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối.
 
Trong cuộc phỏng vấn gần đây, 2 giáo sư còn nói rằng kinh nghiệm phát triển vắc-xin COVID của họ có thể giúp đẩy nhanh quá trình nghiên cứu vắc-xin ung thư khi đưa công nghệ mRNA vào xu hướng phổ biến.
 
"Những gì chúng tôi đã phát triển trong nhiều thập kỷ để phát triển vắc-xin ung thư chính là tiền đề cho việc phát triển vắc-xin COVID-19. Giờ đây, vắc-xin COVID-19 và kinh nghiệm của chúng tôi trong việc phát triển nó đã giúp ích cho công việc điều trị ung thư"- giáo sư Ozlem Tureci quả quyết.
 
Sắp có vắc-xin phòng ngừa các bệnh ung thư - Ảnh 1.
Một nhân viên cầm lọ vắc-xin tại viện nghiên cứu BioNTech ở Mainz, Rhineland-Palatinate, Đức hôm 5-10-2022. Ảnh: ABC News
 
Tiến sĩ Sam Godfrey, trưởng nhóm nghiên cứu tại Cancer Research (Anh), nhận định: "Sự ra đời của một số loại vắc-xin COVID trong thời gian nhanh kỷ lục cho thấy khả năng rất lớn của công nghệ mRNA. Một ngày nào đó không xa nó có thể trở thành một phương pháp điều trị hiệu quả giúp đánh bại ung thư".
 
"Khoa học là con đường thoát khỏi đại dịch, khoa học là con đường của chúng ta để đánh bại ung thư. Tôi lạc quan rằng trong tương lai gần chúng ta sẽ thấy công nghệ mRNA và các phương pháp tiếp cận vắc-xin thú vị khác mang lại cho các bác sĩ nhiều lựa chọn điều trị hơn để giúp đánh bại ung thư" - Tiến sĩ Godfrey nói thêm.
Nhiều hãng dược phẩm khác, bao gồm cả nhà sản xuất vắc-xin Moderna cũng đang nghiên cứu để chữa khỏi các bệnh ung thư cụ thể.
 
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe