Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ

Thứ bảy, 05 Tháng 11 2022 18:24 (GMT+7)
Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới
 
Ngày 5-11, tại hội nghị đột quỵ quốc tế 2022 với chủ đề "Thách thức và cơ hội", Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết Việt Nam và các nước trên thế giới đang phải đối mặt với mô hình bệnh tật kép gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi, các bệnh lưu hành và sự gia tăng của nhóm bệnh không lây nhiễm. Trong nhóm các bệnh không lây nhiễm thì đột quỵ đang là bệnh thường gặp.
 
Ông Thuấn cho biết theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Cùng đó, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca tử vong do căn bệnh này với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Đây là con số đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.
 
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ - Ảnh 1.
Chăm sóc bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai
 
Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Đột quỵ là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và nguyên nhân gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới. Nhiều người dù sống sót sau cơn đột quỵ nhưng phải chịu các di chứng nặng nề, tàn phế vĩnh viễn, thậm chí mất khả năng lao động.
 
GS-TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh đột quỵ hiện nay đang là vấn đề "nóng" của thế giới và Việt Nam không là ngoại lệ với xu hướng bệnh nhân đột quỵ ngày càng trẻ. Để đảm bảo người bệnh đột quỵ được cấp cứu và điều trị tốt, họ cần được chăm sóc và điều trị chuyên sâu để phát hiện sớm và cấp cứu kịp thời, điều trị phòng ngừa biến chứng, phòng ngừa nguy cơ tái phát và phục hồi chức năng.
Bên cạnh việc được điều trị tại các đơn vị chuyên điều trị đột quỵ cần có các nhân viên y tế được đào tạo chuyên sâu, phối hợp đa chuyên khoa theo một quy trình chuẩn hóa để đảm bảo người bệnh được chăm sóc điều trị tốt nhất, giảm thiểu tối đa hậu quả do đột quỵ.
 
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở điều trị tuyến cuối tăng cường hợp tác quốc tế-nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đào tạo cũng như hợp tác triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực đột quỵ, đặc biệt quan tâm đến điều trị đột quỵ cho người trẻ là nhóm lao động chính trong xã hội.
 
Xây dựng các kế hoạch và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực điều trị ở các tuyến; kiện toàn mạng lưới điều trị đột quỵ trên khắp cả nước hướng tới điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh.
 
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe