Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP HCM vừa kịp thời cứu bà L.M.H (65 tuổi) bị tụt đường huyết do tiểu đường, đưa vào BV trong tình trạng hôn mê. Bà H. mắc bệnh tiểu đường type 2 và được điều trị từ đầu năm 2021 đến nay. Thời gian gần đây, bà thường xuyên có các biểu hiện như hồi hộp, khó thở, chân tay run, vã mồ hôi...
Hôn mê, mù lòa
Tại Khoa Nội tiết, sau khi đánh giá sức khỏe tổng thể, bác sĩ xác định nguyên nhân hôn mê của bà H. là do hạ đường huyết. Bệnh nhân được điều trị song song phục hồi chức năng; được hướng dẫn phương pháp tự kiểm soát đường huyết tại nhà, phòng biến cố có thể xảy ra tiếp.
Biến chứng của bệnh đái tháo đường có thể dẫn đến mù lòa .Ảnh: NGUYỄN THẠNH
Còn ông Đ.V.L (56 tuổi) mắc bệnh tiểu đường type 2 đã hơn 7 năm nay. Khoảng 2 tháng nay, mắt ông nhìn mờ, thỉnh thoảng không phân biệt được màu sắc. Tại BV, sau khi thăm khám, bác sĩ chuyên khoa mắt chẩn đoán ông bị bệnh võng mạc tiểu đường tiền tăng sinh. Ông L. được chỉ định điều trị bằng laser quang đông toàn võng mạc và khuyến cáo tiếp tục tuân thủ điều trị tiểu đường và tái khám đúng lịch.
TS-BS Trần Quang Nam, Trưởng Khoa Nội tiết BV Đại học Y Dược TP HCM, cho biết biến chứng của bệnh tiểu đường thường diễn tiến âm thầm và có thể xảy ra đa dạng trên nhiều bộ phận cơ thể (não, tim mạch, thận, mắt, hệ mạch máu và thần kinh ngoại vi…). Trong đó, các biến chứng ở mắt ở giai đoạn đầu không ảnh hưởng tới thị lực nên thường bị người bệnh bỏ qua.
"Để phòng ngừa hiệu quả các biến chứng của bệnh tiểu đường, không chỉ ở mắt mà còn ở các bộ phận khác trên cơ thể, việc tuân thủ điều trị vô cùng quan trọng. Người bệnh cần kiểm soát đường huyết bằng cách dùng thuốc uống trị tiểu đường hoặc tiêm insulin tại nhà (nếu có chỉ định) và chủ động theo dõi đường huyết của mình" - BS Nam khuyến cáo.
ThS-BS Nguyễn Thành Luân, Khoa Mắt BV Đại học Y Dược TP HCM, cảnh báo bệnh võng mạc là một trong những biến chứng phổ biến trên mắt ở người bệnh tiểu đường. Đây là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu trên thế giới.
Các thống kê cho thấy người có thời gian mắc bệnh tiểu đường từ sau 10 - 15 năm có tỉ lệ mắc bệnh võng mạc lên đến 90%. Việc thăm khám lâm sàng ở giai đoạn đầu của bệnh có thể giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương đặc hiệu trên võng mạc, từ đó kịp thời đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp cho người bệnh.
Ở giai đoạn võng mạc tiểu đường không tăng sinh, chưa bị phù hoàng điểm, người bệnh chỉ cần tái khám định kỳ và kiểm soát tốt đường huyết, huyết áp và mỡ máu. Ở giai đoạn võng mạc tiểu đường tăng sinh, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng laser quang đông, tiêm thuốc vào nhãn cầu hoặc phẫu thuật.
Chủ động chặn "sát thủ" âm thầm
GS-TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, báo động bệnh tiểu đường đang lặng lẽ đến với người Việt Nam, có những người mắc bệnh mà không hề hay biết. Hậu quả, có khoảng 50% người mắc bệnh tiểu đường nhưng không được chẩn đoán và trong số người được chẩn đoán chỉ có chưa đến 30% được điều trị.
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thống kê cứ 10 người được phát hiện mắc tiểu đường thì có 6 người rơi vào giai đoạn muộn phải cắt cụt chi, lở loét nặng...
Theo TS-BS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc BV Nội tiết trung ương, nguyên nhân gây ra tiểu đường rất phức tạp nhưng phần lớn là do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp phòng ngừa mắc tiểu đường tới 70% số trường hợp. Ngoài ra, chẩn đoán và điều trị sớm chính là chìa khóa để phòng hoặc làm chậm các biến chứng nguy hiểm của tiểu đường.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021 cho thấy tỉ lệ mắc tiểu đường ở người Việt Nam trưởng thành ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người. Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%.
Theo dự báo, số ca mắc tiểu đường ở Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới. "Tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia.
Kết quả điều tra tại Việt Nam cho thấy có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc tiểu đường đã có biến chứng. Trong đó, 34% biến chứng về tim mạch; 39,5 biến chứng về mắt và thần kinh; 24% biến chứng về thận" - bà Liên Hương nhấn mạnh.
Trước những nguy cơ của bệnh tiểu đường, lãnh đạo Bộ Y tế kêu gọi toàn thể người dân hãy có trách nhiệm với sức khỏe của mình bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh: ăn uống và duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng i-ốt trong bữa ăn hằng ngày, tăng cường vận động thể lực, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh tiểu đường để dự phòng, phát hiện sớm bệnh.
Người trẻ bị tấn công
Tại TP HCM, mới đây ngành y tế và người dân đã phải "giật mình" khi Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam công bố TP HCM là địa phương có tỉ lệ người mắc bệnh tiểu đường cao nhất nước (khoảng 7% dân số), tập trung ở khu vực nội thành và đặc biệt là có sự gia tăng bệnh nhân ít tuổi.
Theo PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường TP HCM, bệnh nhân tiểu đường tăng nhanh trong những năm qua. Nghiên cứu cho thấy cứ khoảng 10.000 người mắc tiểu đường thì có khoảng 33% số ca dưới 40 tuổi. Lý do bệnh tiểu đường trẻ hóa, theo PGS-TS Nguyễn Thy Khuê, hiện nay giới trẻ đang thay đổi lối sống và cách ăn uống với nhiều thức ăn nhanh, đạm động vật nhưng lại ít vận động, dẫn đến tỉ lệ béo phì gia tăng, gây nguy cơ bị tiểu đường.
Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, cách đây khoảng 20 năm, ở Hà Nội, tỉ lệ mắc tiểu đường là 1,4%; ở TP HCM là 2,5%. Kết quả điều tra năm 2012 cho thấy tỉ lệ tiểu đường trên toàn quốc là 5,7% và hiện nay là 7%.