Ngoài yếu tố di truyền, căn bệnh này xuất hiện ở trẻ còn bởi ăn uống, sinh hoạt không lành mạnh.
Cấp cứu mới biết mắc bệnh
Một trường hợp trẻ mắc đái tháo đường được cấp cứu tại BV Nhi đồng TP.HCM. Ảnh: BSCC
Cách đây không lâu, một bé trai 11 tuổi (trú tại Vĩnh Long) được gia đình đưa đi cấp cứu tại viện Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á Vĩnh Long trong tình trạng nôn ói suốt gần 1 tuần, mệt, thở nhanh, có dấu hiệu rối loạn tri giác nhẹ.
Kết quả xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy bé bị nhiễm Cetone với chỉ số đường rất cao, đây là một biến chứng thường gặp ở trẻ dưới 16 tuổi khi bị đái tháo đường.
Sau hai ngày điều trị tích cực, tình trạng nhiễm toan (hay còn gọi là nhiễm độc axit) được cải thiện, đường huyết dần ổn định nên các bác sĩ quyết định cho bé chuyển sang tiêm Insulin mỗi ngày, ăn uống theo chế độ.
Bệnh nhi này được bác sĩ điều trị kết luận mắc đái tháo đường kết hợp giữa type 1 và type 2, vừa sản xuất không đủ insulin để kiểm soát đường trong máu, vừa có cơ chế đề kháng insulin.
Hay như trường hợp bé gái 13 tuổi vào cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM trong tình trạng sốc tăng đường huyết nặng, lơ mơ, sốc mất nước nặng, da khô héo và tái nhợt.
Trước đó, bé liên tục than mệt, khát nước, tiểu nhiều, uống nước ngọt không kiểm soát mỗi khi mệt. Sau khi được xử trí cấp cứu bằng dịch truyền, thuốc insulin, bé đã tỉnh lại sau hai ngày mê man, nhịn ăn.
Theo TS. BS. Nguyễn Huy Cường, Phòng khám nội tiết Thái Hà, số trẻ em mắc đái tháo đường type 2 ngày càng tăng và độ tuổi mắc ngày càng thấp hơn. Nếu trước đây, trẻ dưới 15 tuổi mắc đái tháo đường là hiếm gặp thì hiện tại trẻ dưới 10 tuổi đã mắc bệnh này.
Điển hình có bệnh nhi mới 7 tuổi được mẹ đưa tới khám vì con luôn thấy mệt mỏi, khát nước, có ngày uống cả lít nước ngọt. Kết quả xét nghiệm máu chỉ số đường huyết của bệnh nhi rất cao. Gia đình vô cùng bất ngờ với kết quả này bởi trong gia đình, họ hàng không ai từng mắc. Được biết, trẻ mới 7 tuổi, đã cao 1,4m và nặng 49kg.
Tương tự là bé trai 11 tuổi, nặng hơn 50kg, tương đương người trưởng thành. Trước đó trẻ cũng đã từng cấp cứu vì sốc đường huyết tăng cao. Sau điều trị cấp cứu, trẻ được gia đình đưa về phòng khám của bác sĩ Cường quản lý theo dõi điều trị đái tháo đường type 2.
Dấu hiệu nào nhận biết sớm?
BS. Cường cho hay, ngoài những yếu tố di truyền hay quá trình mang thai, mẹ bị đái tháo đường, căn bệnh này xuất hiện ở trẻ còn bởi ăn uống, thói quen sinh hoạt không lành mạnh. Nhất là khi trẻ em ngày càng thích ăn những thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, đồ ăn chiên rán quá nhiều, nước uống có ga… nghỉ ngơi không đúng giờ giấc, lười vận động, ăn nhiều thực phẩm chứa carbohydrate… Những điều này dẫn đến bệnh béo phì, lâu dần sẽ hình thành đái tháo đường ở trẻ.
Cùng quan điểm, TS. BS. Phan Hướng Dương, Phó giám đốc Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, vấn đề béo phì đang thực sự là bệnh lý đáng lo ngại, nếu không phòng ngừa béo phì ở trẻ thì thế hệ tương lai sẽ đối diện với bệnh lý đái tháo đường type 2.
Theo BS. Cường, các dấu hiệu sớm nhận biết bệnh đái tháo đường ở trẻ là khát nhiều và tiểu nhiều; tăng cảm giác đói, đói nhiều hơn bình thường, có thể đói dữ dội kéo dài ngay cả sau khi ăn; mệt mỏi; sụt cân… Nếu không được phát hiện sớm, đái tháo đường có thể gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Do không sử dụng được đường nên cơ thể lấy năng lượng cho hoạt động từ nguồn mỡ dự trữ đưa đến tạo nhiều thể ceton trong máu, thông qua quá trình chuyển hoá axit béo, đưa đến nhiễm toan máu nặng. Trẻ biểu hiện rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê, thở nhanh sâu, mất nước, có thể dẫn đến tử vong.
Về lâu dài, trẻ mắc đái tháo đường có thể gặp những tổn thương ở võng mạc như: Giảm thị lực, hoa mắt, có thể đưa đến mù lòa; tiểu đạm có thể suy thận; chân lạnh, tím đỏ, loét; tổn thương thần kinh làm tê rần, rát bỏng, đau nhức chân...
Để phòng đái tháo đường, TS. Dương khuyến cáo, tập trung thay đổi lối sống, sinh hoạt và chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường thể dục thể thao. Thay đổi thói quen không tốt như ăn tối trước khi đi ngủ, ăn nhiều đồ ăn vặt như bim bim, đồ ăn nhanh; Hạn chế cho trẻ ngồi chơi game, xem tivi mà thay vào đó là vận động.
Trong chế độ ăn cần tăng cường thực phẩm tốt giàu chất xơ như rau, củ, quả. Ăn các loại ngũ cốc nguyên hạt để bổ sung chất xơ cho cơ thể. “Tốt nhất cần giáo dục cho trẻ về bệnh lý này thật sớm để bảo vệ tương lai khỏi cơn bão đái tháo đường type 2”, TS. Dương nói.
Đái tháo đường type 1 là khi tuyến tụy không không thể tạo insulin cho cơ thể, trong khi insulin có vai trò giúp chuyển hóa chất, cân bằng lượng đường trong cơ thể. Nguyên nhân hình thành type 1 do di truyền và môi trường.
Đái tháo đường type 2 là do tuyến tụy không đáp ứng được nhu cầu tạo insulin cho cơ thể và gây nên tình trạng rối loạn. Nguyên nhân do thói quen sinh hoạt không lành mạnh, lười vận động, không tập thể dục và béo phì.
|