Theo báo cáo chi tiết mà Báo Người Lao Động vừa nhận được từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sáng 5-1, dữ liệu mà các quốc gia thành viên báo cáo về WHO cho thấy điểm nóng Tây Thái Bình DƯơng ghi nhận hơn 1,671 triệu ca mới trong tuần qua, giảm nhẹ 12% so với tuần trước. Tuy nhiên đáng lo là số ca từ vong lại tăng 7% với 3.233 ca.
Bản đồ tỉ lệ số ca mắc mới trên dân số, với màu vàng nhạt biểu thị mức thấp nhất, càng đậm và đỏ hơn thì tỉ lệ càng cao - Ảnh: WHO
Nguyên nhân khiến Tây Thái Bình Dương "đầu bảng" suốt nhiều tuần qua vẫn là 3 nước châu Á Nhật Bản - Hàn Quốc - Trung Quốc.
Nhật báo cáo nhiều ca nhất với 946.130 ca, tức gần 1/3 số ca toàn cầu. Nước này ghi nhận 1.941 người tử vong trong tuần qua, một con số cao, đẩy tỉ lệ tử vong do COVID-19 ở nước này lên 1,5 người/100.000 dân.
Hàn Quốc xếp thứ hai với 457.745 ca mắc mới và 429 ca tử vong; Trung Quốc xếp thứ ba với 218.019 ca mới và 648 ca tử vong. Tuy nhiên trong cuộc họp báo toàn cầu tối 4-1 (giờ Việt Nam), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus một lần nữa nhấn mạnh dữ liệu từ Trung Quốc là chưa toàn diện.
Trên bản đồ tỉ lệ ca mắc và bản đồ tỉ lệ ca tử vong trên dân số, Việt Nam đều được đánh dấu với màu vàng nhạt và xanh lá cây nhạt, biểu thị mức thấp nhất là dưới 10 ca mắc/100.000 dân và dưới 0,5 ca tử vong/100.000 dân.
Các khu vực có số ca mắc cao tiếp theo là châu Mỹ (hơn 803.000 ca) và châu Âu (hơn 548.000 ca), lần lượt giảm 20% và 43% so với tuần trước. Ba khu vực dịch tễ còn lại là Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và châu Phi báo cáo số ca không đang kể.
"Con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều"
"Bây giờ đã bước sang năm thứ tư của đại dịch, thế giới đang ở một nơi tốt đẹp hơn nhiều so với vài năm trước, nhờ quản lý chăm sóc lâm sàng, vắc-xin và phương pháp điều trị" - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus mở màn bài phát biểu trước báo giới toàn cầu tối 4-1.
Tuy nhiên, ông một lần nữa chỉ ra thực tại là vẫn có hơn 10.000 người chết mỗi tuần do căn bệnh đã có đầy đủ công cụ để chống lại này. Ông cũng nhấn mạnh hơn 10.000 chỉ là con số "chúng tôi biết" và "Con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều".
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại một cuộc họp báo - Ảnh: WHO
"Chúng tôi thực sự lo ngại về bức tranh dịch tễ học COVID-19 hiện tại, với cả sự lây truyền dữ dội ở một số nơi trên thế giới và một biến chủng phụ tái tổ hợp đang lan rộng nhanh chóng" - Tiến sĩ Tedros nói, bày tỏ lo ngại lớn ở Bắc Bán cầu, nơi COVID-19 đang bùng lên song song với cúm và các bệnh mùa đông khác.
Biến thể tái tổ hợp đó là XBB.1.5, đang thúc đẩy làn sóng mới ở Mỹ và châu Âu. Tổng cộng đã có 25 quốc gia ghi nhận nó.
Người đứng đầu WHO cũng đặc biệt lo lắng về Trung Quốc: "Chúng tôi tiếp tục yêu cầu Trung Quốc cung cấp dữ liệu nhanh chóng, thường xuyên và đáng tin cậy hơn về các ca nhập viện và tử vong, cũng như giải trình tự virus theo thời gian thực, toàn diện hơn. WHO lo ngại về rủi ro nhân mạng ở Trung Quốc và đã nhắc lại tầm quan trọng của việc tiêm chủng, bao gồm các liều nhắc lại, để bảo vệ khỏi việc nhập viện, bệnh nặng và tử vong".
Về chính sách "đặc biệt" trong kiểm dịch biên giới mà nhiều quốc gia đã áp đặt với hành khác từ Trung Quốc, tiến sĩ Tedros bình luận: "Với lượng lưu hành ở Trung Quốc quá cao và không có dữ liệu toàn diện – như tôi đã nói tuần trước, có thể hiểu rằng một số quốc gia đang thực hiện các bước mà họ tin rằng sẽ bảo vệ công dân của chính họ."
Tiến sĩ Tedros cũng thông báo một tin vui là hai thuốc kháng virus Nirmatrelvir và Ritonavir đã được sơ tuyển để sản xuất bởi một nhà sản xuất Ấn Độ. Chúng hứa hẹn là hai loại thuốc điều trị COVID-19 giá rẻ, dễ tiếp cận và sẽ lấp đầy khoảng trống ở các quốc gia thu nhập thấp.