Cảnh báo nhồi máu cơ tim ở người trẻ

Chủ nhật, 12 Tháng 3 2023 20:05 (GMT+7)
Nhồi máu cơ tim có thể gây tử vong nhanh nếu không được cấp cứu kịp thời. Trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi nhưng nay có cả bệnh nhân mới chỉ ngoài 30 tuổi
 
Mới đây, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TP HCM) vừa cấp cứu kịp thời ông T.S.L.S (49 tuổi) bị huyết khối bít thông mạch đến tim vành trên, tiền sử người tăng huyết áp và hút thuốc lá.
 
Khởi phát bất ngờ
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau nhiều vùng thượng vị. Qua kiểm tra, các bác sĩ xác định ông S. bị nhồi máu cơ tim cấp thành dưới, động mạch vành phải bị tắc do huyết khối rất nhiều kèm xơ vữa nặng. Các bác sĩ tiến hành hút huyết khối trong lòng mạch vành, sau đó đặt stent khôi phục lại mạch vành như ban đầu, tái thông dòng chảy.
 
ThS-BS Đào Quang Hoàng, Phó Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết nguyên nhân của bệnh do mảng xơ vữa không ổn định kích hoạt hệ thống đông máu làm máu đông gây tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn lòng mạch vành khiến cơ tim vùng mạch máu chi phối sẽ bị thiếu máu nuôi. "Nhồi máu cơ tim là bệnh lý rất nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí tính mạng người bệnh. Đây là tình trạng khẩn cấp, người bệnh có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn đến đột tử" - bác sĩ Hoàng cảnh báo.
 
Cảnh báo nhồi máu cơ tim ở người trẻ - Ảnh 1.
Một trường hợp nhồi máu cơ tim vừa được Bệnh viện Thành phố Thủ Đức cứu sống
 
Trước đó, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cũng cứu kịp anh H.M.N (35 tuổi, ngụ TP HCM) nhập viện trong tình trạng đau thắt ngực, khó thở, vã mồ hôi. Sau khi thực hiện điện tâm đồ và men tim, các bác sĩ chẩn đoán anh bị nhồi máu cơ tim cấp, kết quả chụp mạch vành cho thấy một nhánh lớn bị tắc. Sau khi được đặt stent động mạch vành, sức khỏe người bệnh hồi phục tốt.
 
Anh N. không có tiền sử bệnh tim mạch nhưng đang theo dõi điều trị đái tháo đường type 2. Khoảng 3 tháng nay, anh thường xuyên bị căng thẳng trong công việc, ít tập thể dục, ăn uống thất thường. Thỉnh thoảng anh có cảm giác đau nặng ngực, khó thở nhưng chủ quan không đi khám và cũng không nghĩ mình có thể bị nhồi máu cơ tim.
 
Theo các bác sĩ, nhồi máu cơ tim đa phần do xơ vữa động mạch nuôi tim, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như: co thắt động mạch vành, chấn thương tim, bệnh cơ tim do stress. Trước đây, bệnh thường gặp ở người trên 60 tuổi nhưng hiện nay, nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do nhồi máu cơ tim ở độ tuổi rất trẻ, chỉ ngoài 30.
Nguy cơ từ lối sống
Theo giới chuyên gia, các yếu tố nguy cơ của nhồi máu cơ tim bao gồm: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu, tiền sử gia đình có người bị bệnh tim mạch. Một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim như giới tính nam, người cao tuổi, thừa cân, béo phì, lối sống ít vận động… Ở người trẻ, lối sống, sinh hoạt thiếu lành mạnh cộng với áp lực công việc, chủ quan trong việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ cũng làm gia tăng tình trạng nhồi máu cơ tim.
 
ThS-BS Vũ Hoàng Vũ, Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết triệu chứng điển hình nhất của nhồi máu cơ tim là đau nặng ngực: đau giữa ngực, sau xương ức hoặc hơi lệch trái, cảm giác nặng, bóp nghẹt, siết chặt, đè, có khi lan ra tay trái, lên cằm xuống bụng vùng trên rốn. Thời gian đau ngực thường trong khoảng 20-30 phút hoặc dài hơn. Người bệnh có thể kèm vã mồ hôi, khó thở và bất tỉnh. Cũng có người bệnh không đau ngực mà đau bụng vùng trên rốn, đau sau lưng.
 
Các dấu hiệu và triệu chứng của nhồi máu cơ tim có thể thay đổi tùy theo tuổi, giới tính, vùng mạch máu bị tổn thương và những bệnh lý khác đi kèm. Tỉ lệ tái phát nhồi máu cơ tim trong khoảng từ 10%-14%, đặc biệt ở người có nhiều yếu tố nguy cơ, người lớn tuổi có nhiều bệnh lý đi kèm và người đã bị nhồi máu cơ tim nhưng bỏ thuốc, không tuân thủ điều trị.
 
ThS-BS Trần Nguyễn An Huy, Trưởng Khoa Nội tim mạch - Tim mạch can thiệp Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn, khuyến cáo người bệnh có bệnh lý nền về tim mạch cần được theo dõi và kiểm soát tốt các vấn đề về sức khỏe, khi có dấu hiệu đau như kể trên thì phải đi khám ngay. Người bị nhồi máu cơ tim cần được tái lưu thông mạch máu nuôi tim càng sớm càng tốt nhằm hạn chế tế bào cơ tim bị tổn thương và hoại tử.
 
"Thời gian vàng là 48 giờ đầu tiên, nhất là 12 giờ đầu. Ngay khi có dấu hiệu đau như trên, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và can thiệp kịp thời" - bác sĩ Huy khuyến cáo.
Theo ThS-BS Ngô Võ Ngọc Hương, Khoa Tim mạch tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện tiếp nhận không ít các trường hợp mắc bệnh khi tuổi đời chưa đến 30. "Mắc bệnh lý tim mạch ở các đối tượng đang ở độ tuổi còn trẻ và sung sức là hồi chuông báo động. Xây dựng lối sống lành mạnh cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý; thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm định kỳ cũng như không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia là những điều cần thiết để có một sức khỏe tim mạch tốt" - bác sĩ Hương lưu ý. 
 
Cách sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim
ThS-BS Huỳnh Thanh Kiều, Trưởng Khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, hướng dẫn một số nguyên tắc cơ bản khi sơ cứu cho người bị nhồi máu cơ tim cấp: Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để giúp máu lưu thông dễ dàng rồi gọi xe cấp cứu. Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, hãy chủ động thuê taxi hoặc tự chở bệnh nhân đến bệnh viện.
Cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin trong khi chờ cấp cứu. Aspirin giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thuốc.
Ép tim ngoài lồng ngực, cần tiến hành càng sớm càng tốt vì cứ mỗi 1 phút chậm trễ thì người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe