Xuất hiện nhiều ổ thủy đậu ở Hà Nội

Thứ tư, 22 Tháng 3 2023 23:11 (GMT+7)
Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần qua Hà Nội ghi nhận 70 trường hợp mắc thủy đậu.
 
Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội có tổng cộng 548 ca thủy đậu, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, bệnh nhân ghi nhận phần lớn ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
 
Cụ thể nhóm tuổi mầm non (chiếm 36,5%) và tiểu học (38%).
 
Bệnh nhân ghi nhận tại 18/30 quận huyện, một số đơn vị có số mắc cao như: Chương Mỹ (230), Mê Linh (69), Ba Vì (60), Nam Từ Liêm (56), Mỹ Đức (42). Số ca mắc năm 2023 tăng so với cùng kỳ 2022.
Riêng huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế huyện thông tin, tính đến ngày 21/3 đã ghi nhận 5 ổ thủy đậu trên địa bàn huyện, tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay là 237 ca.
 
Bệnh nhân nhỏ tuổi điều trị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà ĐôngBệnh nhân nhỏ tuổi điều trị thủy đậu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông
 
CDC Hà Nội cũng cho biết bệnh thủy đậu có xu hướng gia tăng vào mùa đông xuân, do đó số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm khác lây truyền qua đường hô hấp như cúm, ho gà, sởi, adeno vi rút... cũng có thể gia tăng.
 
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thủy đậu là bệnh do vi rút Varicella-zoster gây ra, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, ai cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh. Bệnh dễ lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp khi tiếp xúc với nguồn bệnh như: nói chuyện, hắt hơi, sổ mũi, ho...; có thể lây gián tiếp qua việc dùng chung đồ sinh hoạt hằng ngày với người bệnh.
 
Các triệu chứng xuất hiện từ 7 - 21 ngày sau khi nhiễm vi rút, bao gồm sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi và chán ăn. Những chấm đỏ sẽ xuất hiện trên cơ thể trong 2-3 ngày rồi trở thành mẩn ngứa, từ đó hình thành nên những chỗ rộp, dần dần khô và đóng vảy từ 4-5 ngày. Miệng, tai và mắt cũng có thể xuất hiện những nốt mụn nước và vết loét.
 
Tiêm vaccine là cách phòng bệnh tốt nhất
 
Các bác sĩ khuyến cáo, tiêm phòng vaccine là cách phòng bệnh chủ động, hiệu quả nhất. Đối với trẻ lớn hơn và người lớn, nên tiêm đủ 2 liều cách nhau ít nhất 6 tuần là tốt nhất. 
 
Liên quan tới một số trường hợp đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, các chuyên gia lý giải đó là do cơ địa không đáp ứng được các điều kiện của vaccine nên không được miễn nhiễm hoàn toàn. Ngoài ra, còn một số yếu tố như điều kiện bảo quản vaccine, kỹ thuật tiêm hay hạn dùng vaccine... Hơn nữa, nhiều người dân đưa con đi tiêm ngừa khi đã ủ bệnh, do đó tiêm ngừa không có tác dụng như mong muốn. 
 
 
Lưu ý tắm bình thường
 
Thực tế đến nay vẫn còn nhiều người mắc đậu mùa có quan niệm kiêng nước, kiêng gió nên không cần tắm rửa, vệ sinh thân thể.
 
Các bác sĩ lưu ý người dân tắm rửa, vệ sinh cơ thể bình thường, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh không gian ở, làm việc sạch sẽ.
 
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe