Nối “ống dẫn tinh” cho người đàn ông từng triệt sản, giờ muốn có con

Thứ năm, 04 Tháng 5 2023 15:13 (GMT+7)
Thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất (gần như 100%). Khi muốn có con, việc khôi phục ống dẫn tinh trở về nguyên vẹn tình trạng ban đầu phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
 
Chiều 3-5, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho hay vừa phẫu thuật nối lại thành công ống dẫn tinh cho một người đàn ông đã từng triệt sản muốn có con.
 
Bệnh nhân là anh H., 32 tuổi, Việt kiều Mỹ, từng có bạn gái và thắt ống tinh "hy sinh" triệt sản để bảo vệ cho bạn gái (vì luật cấm phá thai tại Mỹ), giờ lập gia đình mới quay về Việt Nam và mong muốn sinh con với vị hôn thê mới.
 
Nối ống dẫn tinh cho người đàn ông từng triệt sản, giờ muốn có con - Ảnh 1.
Tư vấn hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
 
Tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM (IVFTA-HCM), các bác sĩ cũng khá bất ngờ khi hay người đàn ông trẻ chưa từng có con mà vẫn quyết định triệt sản.
 
Qua tư vấn, bác sĩ đưa ra 3 sự chọn lựa cho bệnh nhân: Phẫu thuật nối ống dẫn tinh và chờ đợi để có con tự nhiên; thực hiện thủ thuật trích tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm (IVF); phẫu thuật nối ống dẫn tinh kết hợp trữ tinh trùng dự phòng trong trường hợp nối ống dẫn tinh thất bại vẫn có thể có con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Đôi vợ chồng trẻ quyết định chọn giải pháp 3-phẫu thuật nối ống dẫn tinh kết hợp lấy tinh trùng để trữ đông.
Sau một tuần phẫu thuật nối lại ống dẫn tinh, nam Việt kiều đã có tinh trùng trở lại. Theo ThS.BS Lê Đăng Khoa, Trưởng Đơn vị Nam học Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (người trực tiếp thực hiện), trong thời gian đầu, môi trường quanh mối nối còn mới, tinh trùng cũ còn tồn đọng nên kết quả xét nghiệm tinh dịch đồ ban đầu cho thấy lượng tinh trùng nhưng khả năng di động kém. Tuy nhiên, điều này sẽ cải thiện dần theo thời gian.
 
Thắt ống dẫn tinh là biện pháp tránh thai hiệu quả nhất (gần như 100%). Dù vậy, phương pháp này là tính chất vĩnh viễn. Khi muốn có con, việc khôi phục ống dẫn tinh trở về nguyên vẹn tình trạng ban đầu phụ thuộc rất nhiều yếu tố.
 
"Hơn hàng chục năm trong nghề hiếm muộn tôi chưa gặp trường hợp người đàn ông nào chưa có con mà vẫn triệt sản như trên. Đập đi thì dễ, xây lại khó khăn và tốn kém. Tỉ lệ thành công nối ống dẫn tinh là khoảng 90-95%, phụ thuộc vào nhiều yếu tố: phương pháp thực hiện, vị trí nối, thời gian triệt sản, các bệnh lý nam khoa kèm theo, trang thiết bị y tế và trình độ tay nghề bác sĩ..." - BS Khoa nhấn mạnh.
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe