Công trình vừa được công bố trên Journal of American Heart Associantion đã tìm ra mối liên quan giữa việc tăng 2 dấu ấn sinh học biểu thị tổn thương tim và bệnh tim mạch không có triệu chứng ở người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường type 2, khi so sánh với người khỏe mạnh.
Đó là các dấu ấn được dùng như tiêu chuẩn trong các xét nghiệp chuyên sâu tim mạch để phát hiện những dấu hiệu có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và suy tim.
Bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch kèm theo - Ảnh minh họa từ HEALTHLINE
Theo GS-TS Elizabeth Selvin từ Trường Y tế công cộng John Hopkins Bloomberg (thuộc Đại học John Hopkins), điều này có thể lý giải việc người mắc bệnh tiểu đường type 2 không có tiền sử bị nhồi máu cơ tim hay bệnh tim vẫn có nguy cơ cao bị biến chứng tim mạch.
Vấn đã được xác định thông qua việc phân tích sức khỏe và mẫu máu của hơn 10.300 tình nguyện viên, theo SciTech Daily.
Một trong những mối nguy lớn nhất là các dấu ấn sinh học nói trên có thể tạo nên bệnh lý tim mạch tạm thời không có triệu chứng rõ ràng, do đó đến khi có một biến cố nặng nề xảy ra thì nguy cơ tử vong và di chứng cao.
Ước tính có tới 1/3 bệnh nhân tiểu đường type 2 rơi vào tình trạng này, khiến họ mắc bệnh tim mạch mà không hay.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh lý không triệu chứng ban đầu có thể phát triển thành suy tim, bệnh động mạch vành (vấn đề dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim) và gây tử vong sớm trong tương lai.
Trước đây người ta tin rằng cholesterol là yếu tố chính khiến bệnh tiểu đường và tim mạch thường đi kèm nhau, bởi cholesterol sẽ dẫn đến các mảng bám trong lòng mạch. Nhưng kết quả cho thấy bản thân tiểu đường type 2 cũng có thể tự ảnh hưởng lên tim mạch.
Kết quả này là một lời cảnh báo cho thấy bệnh nhân tiểu đường type 2 rất cần được tầm soát, theo dõi kỹ hơn những vấn đề liên quan đến tim mạch tiềm ẩn, cũng như dùng thêm thuốc điều trị phù hợp nếu cần thiết.