Bệnh phụ khoa: Càng e ngại, càng nặng thêm

Thứ hai, 14 Tháng 8 2023 18:21 (GMT+7)
Theo thống kê của Bộ Y tế, 90% phụ nữ Việt Nam mắc bệnh phụ khoa và số ca mắc tăng từ 15%-27%/năm. Nếu không được điều trị dứt điểm, bệnh phụ khoa có thể dẫn đến vô sinh hoặc ung thư
 
Theo báo cáo thống kê từ trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố, mỗi năm có hơn 8,8 triệu lượt khám phụ khoa và gần 3,7 triệu lượt điều trị phụ khoa (hơn 40%). Cùng với nguy cơ sẵn có, những yếu tố liên quan môi trường, đời sống xã hội hay thiếu kiến thức trong việc vệ sinh vùng nhạy cảm và giáo dục giới tính cũng khiến một số dạng bệnh phụ khoa có xu hướng tăng ở các bạn nữ trẻ.
 
Dễ mắc bệnh phụ khoa
Bác sĩ Dương Thị Hải Ngọc, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết nhiễm khuẩn đường sinh sản là nhiễm trùng cơ quan sinh dục gặp ở nam và nữ, trong đó có 3 nhóm: nội sinh, ngoại sinh và lây truyền qua đường tình dục. Nguyên nhân nhiễm khuẩn đường sinh sản ở nữ giới đa phần là do nội sinh và ngoại sinh.
 
Nguyên nhân nội sinh là do sự phát triển quá mức của các vi khuẩn và vi sinh vật có sẵn ở âm đạo (vi khuẩn, nấm...). Ngoài ra, sự mất cân bằng nội tiết khi mang thai, sau sinh, tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh, dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng, stress… cũng có thể là nguyên nhân khiến cho phụ nữ dễ bị mắc bệnh phụ khoa.
 
Bệnh phụ khoa: Càng e ngại, càng nặng thêm - Ảnh 1.
Bác sĩ Lê Thị Bích Hường thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân.Ảnh: HẢI YẾN
 
Các yếu tố ngoại sinh thường do vi khuẩn, vi sinh vật xâm nhập đường sinh sản qua các thủ thuật can thiệp y tế chưa bảo đảm vô trùng; nạo phá thai, kế hoạch hóa gia đình tại những cơ sở y tế không uy tín. Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không được bảo vệ, quan hệ tình dục thô bạo cũng làm tổn thương âm đạo và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển.
 
Các dấu hiệu mắc bệnh phụ khoa là vùng kín có mùi, ra huyết trắng bất thường, chuyển màu xanh xám hoặc vàng; vùng kín ngứa ngáy, nhất là về đêm; đau rát khi đi tiểu hay giao hợp; chảy máu âm đạo bất thường, rối loạn kinh nguyệt.
 
"Nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh phụ khoa nếu không được điều trị có thể tái nhiễm nhiều lần. Hậu quả gây ra là viêm vùng chậu, nhiễm trùng thai nghén, nhiễm trùng hậu sản, sẩy thai, thai ngoài tử cung, đẻ non, nhiễm khuẩn sơ sinh… Một số trường hợp viêm kéo dài gây ra viêm vòi trứng, tắc vòi trứng dẫn tới vô sinh, thậm chí ung thư cổ tử cung" - bác sĩ Hải Ngọc nhấn mạnh.
 
Ung thư vì chủ quan
Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó trưởng Khoa Sản - Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), thông tin bệnh phụ khoa thường gặp gồm: viêm sinh dục, u xơ tử cung, u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, polyp cổ tử cung, ung thư cổ tử cung…
 
Ngoài dấu hiệu nhận biết bệnh kể trên thì phụ nữ lập gia đình, có quan hệ tình dục thường xuyên trong 6 tháng mà không có thai cũng nên nghĩ đến việc mắc các bệnh lý phụ khoa" - bác sĩ Huyền lưu ý.
 
Vấn đề rất đáng lo ngại hiện nay là tâm lý e dè ở nhiều phụ nữ khi mắc bệnh phụ khoa. Đa số sẽ cố chịu đựng cảm giác khó chịu ở vùng kín hoặc tự điều trị chứ không đi khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng, "hết chịu nổi" mới đến bệnh viện khám. Khi đó, việc điều trị sẽ tốn kém, mất nhiều thời gian và có thể để lại hậu quả nặng nề.
 
Bác sĩ Huyền cho biết có không ít trường hợp đến khám trễ với tình trạng bệnh nặng như: cường kinh thiếu máu nặng phải truyền máu; viêm phúc mạc bụng, khối u kích thước lớn có biến chứng hoặc ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn…
 
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp nhận nữ bệnh nhân L.T.T (27 tuổi) bị đau bụng 1 tuần. Nghĩ chỉ là rối loạn tiêu hóa nên người bệnh tự điều trị tại nhà. Chỉ đến khi cơn đau ngày càng tăng chị mới vào bệnh viện.
 
Qua thăm khám, làm các xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán chị T. bị viêm phúc mạc bụng do u buồng trứng vỡ. Chị T. được phẫu thuật và hồi phục sau 2 tuần điều trị.
 
Chị T. cho biết kinh nguyệt của mình vốn thất thường; trước đó xuất hiện các triệu chứng ngứa, rát, có nhiều huyết trắng. Nghĩ do viêm nhiễm bình thường nên chị tự mua thuốc đặt âm đạo kèm dung dịch vệ sinh rửa vùng kín. "Sau khi được bác sĩ giải thích, tôi mới biết những dấu hiệu trên là một trong các nguyên nhân gây u nang buồng trứng" - chị T. ân hận.
 
Tương tự, bệnh nhân N.T.K.P (56 tuổi) đã mãn kinh được 4 năm. Trước khi nhập viện 3 tháng, bà bị ra huyết nhưng không thăm khám vì không thấy đau. Gần đây, xuất hiện thêm các dấu hiệu dịch âm đạo hôi, tiểu buốt nên bà đến bệnh viện khám. Kết quả, bà P. như chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán bà bị ung thư nội mạc tử cung.
 
Tiền mất tật mang ở phòng khám tư
Trong số các bệnh phụ khoa, viêm âm đạo là căn bệnh chị em hay mắc phải nhất. Điều đáng lo ngại là xu hướng trẻ hóa của bệnh lý này khi không chỉ ở những phụ nữ đã lập gia đình, mà bệnh nhân có cả các thiếu nữ chưa từng quan hệ tình dục.
 
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Bích Hường, Trưởng Khoa Sản - Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), nguyên nhân gây viêm âm đạo hầu hết do nấm hoặc vi khuẩn không có lợi phát triển. Nguyên nhân này liên quan mật thiết với việc quan hệ tình dục không an toàn.
 
Bên cạnh đó, một số thói quen trong sinh hoạt hằng ngày có thể gia tăng bệnh lý viêm nhiễm, như vệ sinh vùng kín không đúng cách (nhiều chị em có thói quen ngâm hay rửa vùng kín từ sau ra trước, điều đó vô tình làm vi khuẩn có sẵn từ hậu môn xâm nhập vùng kín), hút nạo phá thai, chế độ sinh hoạt và làm việc không hợp lý.
 
Bác sĩ Hường cho biết với những bệnh nhân viêm nhiễm âm đạo, chỉ cần điều trị theo phác đồ gồm thuốc uống và thuốc đặt. "Thuốc uống là chính, thuốc đặt là phụ. Tuy nhiên, nhiều chị em lại không muốn uống thuốc mà chỉ dùng thuốc đặt, thậm chí tự mua thuốc để sử dụng. Đây là quan niệm sai lầm vì có thể khiến bệnh tái phát. Lâu ngày, có thể gây viêm nhiễm phần phụ như viêm vòi trứng, tắc vòi trứng, viêm cổ tử cung…, thậm chí dẫn đến vô sinh hoặc ung thư" - bác sĩ Hường cảnh báo.
 
Một vấn đề đáng lo ngại nữa là nhiều người khi mắc bệnh phụ khoa thì lại ngại đến bệnh viện khám mà tìm đến các phòng khám tư để điều trị và không ít trường hợp "tiền mất tật mang".
 
"Hầu như bệnh nhân bị biến chứng sau khi khám bên ngoài đều chia sẻ rằng họ được tư vấn nếu không điều trị sẽ bị ung thư. Trong khi đó, người bệnh không được tầm soát ung thư mà chỉ xét nghiệm máu, xét nghiệm huyết trắng… với chi phí rất cao. Thậm chí, có trường hợp vào bệnh viện do chảy máu sau khi đốt cổ tử cung chỉ vì viêm lộ tuyến nhẹ. Có những ca bệnh chỉ cần điều trị ngoại trú theo phác đồ nhưng lại bị xử lý nặng tay ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này" - bác sĩ Hường nói. 
 
Nên khám phụ khoa ít nhất 1 lần/năm
Để phòng tránh các bệnh phụ khoa, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Huyền khuyến cáo cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý và quan hệ tình dục an toàn.
Cụ thể, cần tắm rửa và thay quần lót thường xuyên. Vệ sinh nhẹ nhàng âm hộ với nước sạch sau mỗi lần đi tiểu tiện hoặc đại tiện. Không nên rửa vùng kín liên tục hoặc sử dụng xà bông hay các chất tẩy rửa mạnh để vệ sinh vùng kín. Tránh thụt rửa sâu cũng như ngâm âm đạo lâu trong nước. Trong kỳ kinh nguyệt cần thay băng vệ sinh thường xuyên, tối đa 4 giờ/lần.
"Phụ nữ đã quan hệ tình dục hay phụ nữ độc thân cũng nên đi khám phụ khoa định kỳ, ít nhất 1 lần/năm. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh lý vùng âm đạo, tử cung, buồng trứng, tiền ung thư... để điều trị kịp thời.
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe