Nữ bệnh nhân Đ.T.B. (42 tuổi, ở Hải Dương) đến Viện Sức khỏe Tâm thần (thuộc Bệnh viện Bạch Mai) khám vì mất ngủ suốt 3 tháng. Người thân bệnh nhân cho biết cô B. là giáo viên dạy toán, trong cuộc sống hàng ngày cô sống nội tâm, cầu toàn, dù quan tâm tới người khác nhưng ít chia sẻ.
Bệnh nhân điều trị rối loạn giấc ngủ tại Viện Sức khoẻ tâm thần
Nữ bệnh nhân có 2 con, một trai, một gái, các con đều ngoan và học giỏi. Cuộc sống gia đình hòa thuận, không có mâu thuẫn hay sang chấn tâm lý.
Khoảng 1 năm trở lại đây, bệnh nhân ngủ ít, lúc đầu ngủ 4-5 tiếng/ngày, gần đây chỉ ngủ 1-2 tiếng/ngày, ngủ không sâu giấc và khi lên giường 2-3 tiếng mới bắt đầu ngủ được. Cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, uể oải, đau đầu, khiến cô giáo lơ đãng khi đứng lớp và không thể tập trung làm việc.
"Gần đây, tôi mệt mỏi hơn, dễ nổi cáu vô cớ, ăn kém ngon miệng, sụt 2 kg trong 2 tháng. Chỉ tiếng động nhỏ cũng làm tôi tỉnh giấc và không ngủ lại được. Đặc biệt, tôi còn sợ không dám ngủ chung giường với chồng, vì chồng ngủ ngáy. Lúc đầu, tôi nghĩ đây là nguyên nhân khiến tôi mất ngủ, nhưng khi ngủ riêng tôi vẫn không thể ngủ được" - nữ bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ.
Sau khi đi khám ở địa phương rồi dùng thuốc 1 tháng không đỡ, nhiều đêm vẫn thức trắng, bệnh nhân đã tới Viện Sức khỏe tâm thăm khám.
Bác sĩ Phạm Công Huân, Phòng Điều trị tâm thần, Viện Sức khỏe Tâm thần, cho biết kết quả thăm khám cho thấy bệnh nhân B. mắc hội chứng mất ngủ, với biểu hiện điển hình như khó vào giấc, giấc ngủ không sâu, thức giấc sớm và không ngủ lại được.
Bác sĩ khuyến cáo khi có biểu hiện khó ngủ xuất hiện ít nhất 3 tháng nên đi khám
Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc đặc hiệu kết hợp với liệu pháp thư giãn, luyện tập, vệ sinh giấc ngủ, trị liệu tâm lý. Sau 1 tháng điều trị, hiện bệnh nhân ổn định, ngủ được tốt hơn, cảm xúc hành vi phù hợp, ăn uống tốt hơn.
Bác sĩ Đoàn Thị Huệ, Phó trưởng phòng Điều trị tâm thần, Viện Sức khỏe tâm thần, cho biết rối loạn giấc ngủ thường xảy ra cùng với các tình trạng bệnh thể chất hoặc tình trạng sức khỏe tâm thần khác như trầm cảm, lo lắng hoặc rối loạn nhận thức. Rối loạn giấc ngủ thường gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt tỉ lệ mất ngủ ở phụ nữ mãn kinh cao so với những người ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Rối loạn giấc ngủ nếu không được điều trị sẽ gây nhiều hệ lụy với sức khỏe, như khiến người bệnh đau khổ hoặc suy giảm hiệu quả làm việc, học tập, khó kiểm soát hành vi... Tình trạng này kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, huyết áp, béo phì...
Do vậy, khi có các biểu hiện như khó ngủ xuất hiện ít nhất 3 tháng; không thể ngủ được dù có cơ hội ngủ; các rối loạn tâm thần cùng tồn tại với tình trạng mất ngủ… cần đi khám để điều trị kịp thời.