Lý do hơn 30% người bị mù loà không thể chữa bệnh

Thứ sáu, 13 Tháng 10 2023 16:12 (GMT+7)
Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà và 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được
 
Chiều 12-10, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thị giác thế giới, PGS-TS Nguyễn Tuấn Hưng, phụ trách, quản lý, điều hành Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp. Trong số này khoảng 45 triệu người mù và những người trên 50 tuổi chiếm tỉ lệ 80%.
 
Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù. 90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn, trong đó có Việt Nam.
 
Lý do hơn 30% người bị mù loà không thể chữa bệnh - Ảnh 1.
Kiểm tra thị lực cho người bệnh tại Bệnh viện Mắt Trung ương
 
Tại Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà và 80% các nguyên nhân gây mù có thể phòng và chữa được. Tuy nhiên, hơn 30% trong số này là những người nghèo không có tiền điều trị mang lại ánh sáng.
 
PGS Hưng cho biết qua điều tra, các nguyên nhân gây mù chính hiện nay là đục thể thủy tinh chiếm tới 66,1%, tiếp đó là các bệnh lý đáy mắt, bệnh glôcôm, tật khúc xạ ...
 
Đáng chú ý, tật khúc xạ (cận thị, viễn thi, loạn thị) đang ngày càng phổ biến trong thanh thiếu niên, với tỉ lệ mắc khoảng 15-20% ở học sinh nông thôn, 30-40% ở thành phố. Nếu tính riêng nhóm trẻ từ 6 - 15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên được chỉnh kính) cả nước có khoảng gần 15 triệu trẻ em, với tỉ lệ mắc các tật khúc xạ khoảng 20%, thì Việt Nam ước tính gần 3 triệu em mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, trong đó có tới 2/3 bị cận thị.
 
Theo PGS Hưng, việc khám và cắt kính cho trẻ em mắc tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị) là một trong những biện pháp can thiệp rẻ tiền và có hiệu quả nhất để giảm tỉ lệ mù lòa nhưng thực tế đang gặp nhiều rào cản do nhận thức của người dân, cơ sở vật chất và kinh phí.
 
Bên cạnh đó, công tác phòng chống mù lòa cũng xuất hiện những thách thức mới như tỉ lệ mắc bệnh võng mạc ở trẻ đẻ non, bệnh võng mạc do đái tháo đường, bệnh glôcôm ngày càng tăng cao.
 
Lý do hơn 30% người bị mù loà không thể chữa bệnh - Ảnh 3.
Đục thể thủy tinh là nguyên nhân phổ biến gây mù loà
 
PGS-TS Cung Hồng Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương, cho biết chủ đề Ngày thị giác Thế giới năm 2023 là "Yêu đôi mắt của bạn tại nơi làm việc" hướng tới an toàn mắt khi lao động, cảnh báo người dân về tầm quan trọng phải bảo vệ mắt trong quá trình lao động. "Tai nạn mắt thường đi kèm với giảm thị lực hoặc mù lòa. Để phòng tránh cần ưu tiên chăm sóc và bảo vệ mắt cho người lao động"- PGS Sơn lưu ý.
 
Thống kê cho thấy tai nạn nghề nghiệp gây thương tích cho mắt chiếm hơn 1/3 tổng số chấn thương. Trong đó nam giới trẻ chiếm 96,3%, trong nhóm này 89,1% các trường hợp chấn thương nhãn cầu hở xảy ra trong khi làm việc trong bối cảnh không đeo kính bảo hộ.
 
Các bác sĩ nhãn khoa cũng khuyến cáo cách giảm mỏi mắt khi sử dụng thiết bị điện tử gồm: Đảm bảo đeo kính theo khuyến nghị và khám mắt định kỳ; tuân theo quy tắc 20-20-20, tức là sau 20 phút, hãy nhìn vào vật nào đó cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong ít nhất 20 giây; Rèn luyện để chớp mắt thường xuyên hơn; Màn hình máy tính nên thấp hơn mắt từ 15 đến 20 độ (khoảng 10 cm hoặc 12 cm) khi đo từ giữa màn hình và cách mắt từ 50 cm đến 70 cm; điều chỉnh độ sáng màn hình giống với môi trường xung quanh...
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe