Ngày 28-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị đột quỵ quốc tế với sự tham gia của gần 2.500 chuyên gia đầu ngành trong nước và các quốc gia như: Áo, Canada, Úc, Nhật Bản, Nga, Malaysia.
Tại đây, chuyên gia trong lĩnh vực điều trị đột quỵ cho biết mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 - 225.000 ca bệnh đột quỵ. Bệnh nhân ngày càng trẻ hoá, tỉ lệ người bệnh được cấp cứu trong 6 giờ đầu còn thấp.
Các chuyên gia trong lĩnh vực điều trị đột quỵ cho biết người trẻ bị đột quỵ có xu hướng tăng
PGS-TS Nguyễn Văn Chi, nguyên Trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội đột quỵ TP Hà Nội, cho biết kết quả nghiên cứu trước đó tại 10 trung tâm đột quỵ trên toàn quốc với hơn 2.500 bệnh nhân cho thấy người trẻ (dưới 45 tuổi) chiếm 7,6% số ca mắc đột quỵ và bệnh có xu hướng tăng ở những người trẻ.
Theo PGS Chi, hiện nay, ngoài Trung tâm đột quỵ của Bệnh viện Bạch Mai còn có hơn 100 bệnh viện, trung tâm thực hiện cấp cứu, điều trị bệnh nhân đột quỵ, trong đó có các bệnh viện tuyến tỉnh nhằm đảm bảo can thiệp kịp thời cho người bệnh. Tuy nhiên, gánh nặng từ bệnh đột quỵ ở nước ta vẫn ở mức cao.
Đột quỵ não đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế trên toàn thế giới, hơn 70% số người sau khi bị đột quỵ đã mất đi khả năng lao động. "Tỉ lệ tử vong đối với bệnh nhân đột quỵ cao hơn so với các bệnh lý khác. Ngay cả khi bệnh nhân đột quỵ sống sót thì nguy cơ bị tàn phế cũng rất cao, vì thế tốt nhất là dự phòng bệnh. Đó là phải đánh giá trên người bệnh và xử lý tốt nhất các yếu tố nguy cơ: Tiểu đường, mỡ máu, xơ vữa động mạch, các bệnh lý van tim, loạn nhịp, bệnh lý về máu, thận, phổi… và thay đổi lối sống như: Ăn mặn, giảm tình trạng béo phì, hạn chế sử dụng rượu bia"- PGS Chi khuyến cáo.
Cùng quan điểm, GS-TS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học quốc gia Hà Nội), cho rằng bên cạnh việc thành lập thêm những trung tâm chuyên sâu về đột quỵ, cần đẩy mạnh dự phòng căn bệnh này. Điều trị bệnh nhân đột quỵ là sự phối hợp của đa chuyên khoa. Bệnh nhân đột quỵ cần được vào viện càng sớm càng tốt để có thể được cứu sống kịp thời, giảm tỉ lệ tàn phế, phục hồi tốt.
Điều trị bệnh nhân đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai
GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội đột quỵ Việt Nam, nhấn mạnh, đột quỵ có thể sàng lọc và phòng ngừa được. Với những người có tiền sử đau đầu, gia đình có người bị tai biến, những người từ 40 tuổi trở lên có huyết áp cao, mắc bệnh tim mạch cần được sàng lọc, chụp mạch não để can thiệp kịp thời và dự phòng đột quỵ.
Cần đến cơ sở y tế ngay khi có một trong các triệu chứng tê hoặc yếu vùng mặt, tay hoặc chân. Lưu ý khi triệu chứng xảy ra một bên cơ thể, méo miệng, đột ngột không nói được hoặc khó nói, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, mất thăng bằng...
Tổ chức Y tế thế giới lấy ngày 29-10 hàng năm là Ngày đột quỵ thế giới, nhằm mục đích nâng cao nhận thức của cộng đồng về đột quỵ não. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang đẩy mạnh việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu.
Hội nghị đột quỵ quốc tế 2023 với tiêu đề "Tiếp cận đa chuyên khoa" được phối hợp tổ chức bởi Hội đột quỵ TP Hà Nội, Trường Đại học Y Dược (thuộc Đại học quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện Bạch Mai để nâng cao kiến thức cho hội viên trong phối hợp đa chuyên khoa nhằm nâng cao hiệu quả điều trị bệnh nhân đột quỵ.