Tối ưu hóa chữa đột quỵ

Chủ nhật, 17 Tháng 12 2023 14:13 (GMT+7)
Tối ưu hóa chữa đột quỵ
 
Mới đây, đang chạy xe máy anh L.V.P (30 tuổi, ngụ TP HCM) bỗng thấy tối sầm, ngã sóng soài giữa đường. Anh P. cho biết biểu hiện này anh chưa từng gặp và không nghĩ rằng mình còn trẻ sao "sụp nguồn" như vậy.
 
Quá tải người bệnh
Với biểu hiện trên, giới chuyên môn cho rằng đừng nghĩ đơn thuần đó chỉ là cơn thiếu máu não thoáng qua mà hãy gọi đó là cơn đột quỵ nhẹ. TS-BS Trần Chí Cường - Chủ tịch Hội Can thiệp Thần kinh TP HCM, Giám đốc Bệnh viện (BV) Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ (S.I.S Cần Thơ) - cho biết nếu xảy ra tình trạng choáng, mất thăng bằng, nói đớ... thoáng qua, sau đó tự hết thì xin đừng chủ quan. Đó là điều báo hiệu cơn đột quỵ sẽ đến trong tương lai gần.
 
Theo bác sĩ Cường, cơn thiếu máu não thoáng qua được cảnh báo là cơn đột quỵ nhẹ. Có rất nhiều trường hợp điển hình: Bệnh nhân đang nói chuyện bình thường nhưng sau đó bị đớ hoặc họ gọi tên một người đồng nghiệp nào đó bỗng dưng bị sai. Có người đang đi ngoài đường bỗng dưng té quỵ chỉ trong vòng 10 giây rồi phục hồi khoảng vài giây sau đó. Hoặc như đang ăn cơm bình thường bỗng rớt đũa, rớt chén. Có người bị tối sầm mắt, cơ thể giống như căn phòng bị cúp điện đột ngột, sau đó tự động có điện, mắt nhìn thấy trở lại.
 
Tối ưu hóa chữa đột quỵ- Ảnh 1.
Máy CT Photon hiện đại vừa được Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ trang bị, đem cơ hội đến cho người dân
 
Trước đây, nhiều người nghĩ rằng thiếu máu não thoáng qua là lành tính rồi phục hồi sau đó là điều bình thường. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy 80% trường hợp có cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ trở thành đột quỵ thực sự trong vòng khoảng 6 tháng. "Nếu 100 người có dấu hiệu của cơn thiếu máu não thoáng qua điển hình thì sẽ có 80 người rơi vào tình trạng đột quỵ thực sự" - bác sĩ Cường cảnh báo.
 
Gần đây, lượng bệnh nhân đột quỵ đến cấp cứu tại các BV tăng cao. Chỉ riêng BV Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, bệnh nhân được đưa đến liên tục, từ bên ngoài đến bên trong chật kín lối đi. Các y - bác sĩ đã phải làm việc hết công suất.
 
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP HCM, số trung tâm đột quỵ hiện nay ở nước ta đã tăng nhưng vẫn không đủ bao phủ số bệnh nhân quá lớn. Mỗi năm, nước ta có trên 200.000 bệnh nhân mắc bệnh này, trong khi đó chỉ có khoảng 100 trung tâm đột quỵ. Như vậy, mỗi đơn vị phải điều trị ít nhất 2.000 bệnh nhân mỗi năm. Điều này là quá tải vì theo chuẩn mực thế giới, một trung tâm đột quỵ chỉ nên điều trị khoảng 500 ca/năm.
 
Kỳ vọng vào công nghệ
Theo các chuyên gia, trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vũ bão của khoa học - công nghệ và đặc biệt trong y học với sự ra đời của các máy móc công nghệ hiện đại như: Cộng hưởng từ 3 Tesla, robot phẫu thuật - can thiệp mạch, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán và điều trị…
 
Đặc biệt, trong năm 2023, thế giới ghi nhận và đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chẩn đoán hình ảnh, đó là sự ra đời của công nghệ chụp CT đếm Photon. Đây là thế hệ máy CT hiện đại nhất thế giới hiện nay, có thể phát hiện sớm, nhanh và chính xác nhất bệnh lý động mạch vành, một trong những nguyên nhân chính gây đột tử - đột quỵ.
 
Tối ưu hóa chữa đột quỵ- Ảnh 2.
Bệnh nhân khám bệnh đột quỵ tại Bệnh viện S.I.S Cần Thơ
 
Nằm trong dòng chảy đó, BV S.I.S Cần Thơ cũng quyết tâm đưa vào sử dụng công nghệ mới chẩn đoán hình ảnh bằng máy CT Photon để phục vụ công tác cứu người.
 
TS-BS Trần Chí Cường cho biết bằng sự cố gắng huy động mọi nguồn lực để đầu tư, máy CT Photon là máy đầu tiên đưa về Việt Nam và là một trong những máy đầu tiên tại khu vực Đông Nam Á cũng như là 1/80 chiếc trên toàn cầu. Tổng chi phí mua máy CT Photon về Việt Nam là khoảng 150 tỉ đồng (được BV trả chậm).
 
Ứng dụng của CT (chụp vi tính cắt lớp) trong y học hiện nay giúp chẩn đoán nhiều bệnh lý trong cơ thể như phổi, xương - khớp, gan - mật, tiết niệu, não, cột sống, đặc biệt là động mạch vành (mạch máu nuôi tim), động mạch chủ, động mạch tạng - chi, ung thư, dị tật, dị dạng, chấn thương, nhất là chấn thương sọ não... Điểm nổi bật của máy CT Photon: Giúp thấy rõ hơn các cấu trúc quanh xương, sau đặt stent, có kim loại trong vùng chụp… nhờ hình ảnh rõ nét bằng công nghệ đếm được số Photon phát ra; tốc độ chụp toàn cơ thể chỉ trong vòng 12 giây; ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn và nhanh chóng hơn; giảm liều tia X cho bệnh nhân và nhân viên y tế; an toàn hơn cho trẻ em và phụ nữ mang thai….
 
Đây là sự phát triển vượt bậc mà Việt Nam đã bắt kịp thế giới. Vì mới ra đời chưa đầy 2 năm, chiếc máy này đã trở thành một cuộc cách mạng lớn nhất trong chẩn đoán hình ảnh hiện nay về công nghệ chụp CT. Công nghệ của máy CT Photon cũng là chủ đề được bàn luận nhiều nhất trong hội nghị ở nước ngoài.
 
"Với công nghệ mới này sẽ giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân nhờ được chẩn đoán chính xác, tiết kiệm thời gian, an toàn, ít xâm lấn hơn, đồng thời giảm chi phí và thời gian nằm viện" - bác sĩ Cường nhấn mạnh.
 
Theo TS-BS Nguyễn Minh Lợi, Cục trưởng Cục Cơ sở hạ tầng và Thiết bị y tế - Bộ Y tế, nước ta có máy CT Photon là sự kiện vô cùng quan trọng, nâng tầm vị thế trong công tác chăm sóc y tế của Việt Nam trên bản đồ thế giới, khẳng định vị thế cũng như cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh, thành trong cả nước và thu hút nhiều bệnh nhân nước ngoài đến thăm khám và điều trị.
 
"Tới đây, với luật về thiết bị y tế đang được xây dựng, người dân có thể thụ hưởng các thiết bị tốt nhất của thế giới nhưng với chi phí hợp lý nhất" - đại diện lãnh đạo Bộ Y tế thông tin. 
 
Ở nước ngoài, chi phí chụp mỗi ca với máy CT Photon khoảng 2.000 - 5.000 USD. Ở nước ta, tại thời điểm này, giá chụp chỉ khoảng 7,5 - 8 triệu đồng/trường hợp.
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe