WHO: 1/5 dân số thế giới đối diện bệnh ung thư

Thứ bảy, 03 Tháng 2 2024 09:22 (GMT+7)
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca ung thư mới trong năm 2050 sẽ hơn 35 triệu, tăng 77% so với con số 20 triệu của năm 2022.
 
Theo báo cáo thường niên từ Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IRAC) trực thuộc WHO vừa công bố ngày 1-2, gánh nặng ung thư toàn cầu đang ngày một tăng.
 
Ước tính 1/5 người trên thế giới sẽ đối diện với ung thư trong đời. Khoảng 1/9 nam giới và 1/12 nữ giới sẽ tử vong vì căn bệnh này.
 
WHO: 1/5 dân số thế giới đối diện bệnh ung thư- Ảnh 1.
WHO cảnh báo 1/5 người trên thế giới sẽ đối diện với bệnh ung thư trong đời - Ảnh: REUTER
 
Khảo sát chi tiết theo năm mới nhất cho thấy có tổng cộng 20 triệu ca ung thư mới được ghi nhận trên toàn cầu vào năm 2022 và 9,7 triệu ca tử vong mới. Tuy nhiên, con số này có thể tăng vọt trong tương lai.
 
Dựa theo tình hình hiện tại, chỉ trong năm 2050 sẽ ghi nhận 35 triệu ca ung thư mới. Con số này cao hơn con số của năm 2022 đến 77%.
 
Trong đó, 3 loại ung thư chính được IRAC nhấn mạnh là ung thư phổi, vú và ruột (đại trực tràng). Có hàng chục loại ung thư được biết đến nhưng riêng 10 loại phổ biến nhất đã chiếm 2/3 số ca mắc và tử vong toàn cầu.
 
Ung thư phổi phổ biến nhất trên toàn thế giới, chiếm 12,4% số ca mắc mới. Ung thư vú chiếm 11%, ung thư ruột 9,6%, tiếp theo là ung thư tuyến tiền liệt 7,3% và ung thư dạ dày 4,9%.
 
Xét theo nguyên nhân tử vong, ung thư phổi chiếm hàng đầu, gây ra 18,7% số ca tử vong do ung thư. Ung thư ruột chiếm 9,3% số ca tử vong, ung thư gan 7,8%, ung thư gan 7,8%, ung thư vú 6,9% và ung thư dạ dày 6,8%.
 
"Sự tái xuất hiện của ung thư phổi như loại ung thư phổ biến nhất có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá liên tục ở châu Á" - WHO lưu ý.
 
Xét về giới tính, ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới, trong khi ở phụ nữ ung thư  phổ biến nhất là ung thư vú.
 
Sự gia tăng gánh nặng ung thư dự kiến cũng sẽ không đồng đều ở các quốc gia. Những quốc gia có Chỉ số phát triển con người (HDI) cao có thể có số ca mắc mới được ghi nhận tăng mạnh hơn các quốc gia HDI thấp. Tuy nhiên, nguy cơ tử vong ở các quốc gia HDI thấp đáng ngại hơn.
 
Điều này một phần do khả năng tiếp cận các biện pháp chẩn đoán và điều trị chênh lệnh. Các quốc gia HDI thấp là các nước nghèo hơn, nơi con số mắc mới được ghi nhận thấp một phần là do không được chẩn đoán đầy đủ.
 
"Tác động của sự gia tăng này sẽ không được cảm nhận đồng đều ở các quốc gia có HDI khác nhau. Những người có ít nguồn lực nhất để quản lý gánh nặng ung thư sẽ phải chịu gánh nặng ung thư toàn cầu" - TS Freddie Bray, trưởng bộ phận Giám sát ung thư tại IRAC nói.
 
Theo WHO, cuộc khảo sát lớn từ 115 quốc gia này cũng cho thấy phần lớn các quốc gia vẫn chưa tài trợ đầy đủ cho các dịch vụ chăm sóc giảm nhẹ và ung thư ưu tiên, như một phần của bảo hiểm y tế toàn cầu (UHC).
Các con số này không chỉ nêu bật gánh nặng đối với căn bệnh này ngày càng tăng mà còn chỉ ra tác động không cân xứng giữa các nhóm dân số và yêu cầu cấp thiết phải giải quyết sự bất bình đẳng về ung thư trên toàn thế giới.
 
 

Bài viết mới nhất của Sức Khỏe