Mức sinh của phụ nữ Việt Nam hiện là 1,96 con, thấp nhất trong lịch sử và dự báo tiếp tục giảm. Dân số Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức
Lễ mít tinh hưởng ứng ngày Dân số thế giới do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tổ chức sáng 11-7 tại Hà Nội.
Theo ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), sau thời gian dài duy trì mức sinh thay thế (2-2,1 con/phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ), mức sinh của Việt Nam đang ngày càng thấp.
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số, cho biết mức sinh của phụ nữ Việt giảm chưa từng có
Liên tục từ năm 2020 đến nay, mức sinh xuống thấp tại các tỉnh, thành miền Nam kéo theo mức sinh của toàn quốc giảm. Năm 2023, mức sinh của phụ nữ Việt Nam còn 1,96 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thấp nhất trong lịch sử. Mức sinh này được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.
"Khi mức sinh thấp, ảnh hưởng suy giảm quy mô dân số, cơ cấu tuổi của dân số trong tương lai, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động; tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, mất cơ hội tận dụng cơ cấu dân số vàng…" - ông Dũng đánh giá.
Ngoài ra, dân số Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an sinh khi tốc độ già hóa dân số nhanh và sớm trở thành quốc gia dân số già.
Năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số và là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Dự báo, đến năm 2038, nghĩa là chỉ còn 15 năm nữa, nước ta sẽ bước vào thời kỳ dân số già, tức là cứ 5 người dân thì có một người trên 60 tuổi.
Mức sinh toàn quốc hiện nay của Việt nam còn 1,96 con
Tại lễ mít tinh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh hưởng ứng Ngày dân số thế giới 11-7, Bộ Y tế đã lựa chọn chủ đề "Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững" nhằm kêu gọi các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển tiếp tục quan tâm và đầu tư cho công tác dân số của Việt Nam, đóng góp vào sự phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức quốc tế, phái đoàn ngoại giao các nước và cộng đồng quốc tế chia sẻ, hỗ trợ để giải quyết hiệu quả trong việc ứng phó với xu thế mức sinh xuống thấp và già hóa dân số nhanh; đồng thời hỗ trợ xây dựng và hoàn thiện Luật Dân số.
Năm 2024 là tròn 30 năm Việt Nam đã hiện thực hóa các mục tiêu chương trình hành động của hội nghị quốc tế về dân số và phát triển với các kết quả cụ thể.
Theo đó, chỉ số phát triển con người được cải thiện và đạt mức trung bình so với các nước trên thế giới. Thể hiện rõ nhất là tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, tử vong trẻ em giảm mạnh. Trong đó, tỉ suất tử vong mẹ đã giảm 6 lần trong 30 năm qua. Tỉ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm mạnh.
Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 74,5 tuổi năm 2023. Đặc biệt, tốc độ gia tăng dân số nhanh đã được Việt Nam khống chế thành công. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện.