"Dường như các nước cho rằng đã xong việc với các tay súng IS và để bọn chúng ở lại Syria. Nhưng đó là một sai lầm rất lớn. Các quốc gia cần hành động nhiều hơn nữa để truy tố các tay súng IS đến từ nước mình và cải tạo gia đình họ. Nếu không, bọn họ sẽ là bom hẹn giờ" - ông Abdulkarim Omar, nhân vật phụ trách quan hệ đối ngoại tại khu vực do Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn kiểm soát, cảnh báo hôm 18-2.
Theo ông Omar, khoảng 800 tay súng phương Tây đang bị cầm giữ. Ngoài ra, 700 người vợ và 1.500 đứa con của họ đang ở các khu trại.
Số phận của các tay súng trên đang trở nên cấp bách sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần rồi thúc giục các nước châu Âu đưa công dân của mình bị bắt tại Syria về nước, nếu không Washington buộc phải "phóng thích" họ. Lời kêu gọi này được đưa ra giữa lúc lực lượng do Mỹ hậu thuẫn chuẩn bị tấn công nhóm tay súng IS vẫn còn cố thủ ở miền Đông Syria.
Theo hãng tin AP, hơn 300 tay súng IS không chịu đầu hàng và tìm cách thương lượng để chạy đến tỉnh Idlib đang do quân nổi dậy Syria kiểm soát.
Một chiến binh SDF đứng tại căn cứ tạm thời gần nơi khu đất cuối cùng do IS kiểm soát ở làng Baghouz – Syria hôm 18-2 Ảnh: AP
Đáp lại yêu cầu của ông Trump, các nước châu Âu nhấn mạnh không có giải pháp đơn giản cho vấn đề đau đầu này. Theo đài NPR (Mỹ), Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas cho rằng rất khó xét xử các tay súng IS được hồi hương vì phần lớn thiếu thông tin pháp lý. Theo ông Maas, các tù nhân IS chỉ được trở lại Đức nếu chắc chắn bị đưa ra xét xử.
Cứng rắn hơn, theo Bộ trưởng Tư pháp Pháp Nicole Belloubet, đòi hỏi của ông chủ Nhà Trắng sẽ không tác động đến các chính sách của Pháp, theo đó quyết định việc cho hồi hương các phần tử IS được xem xét dựa theo từng trường hợp. Ngay cả trước khi ông Trump lên tiếng, Anh đã từ chối việc đến các nhà tù, trại tị nạn ở Syria hoặc Iraq để tìm kiếm và đưa về nước những công dân nước mình tự nguyện gia nhập IS.
Ông Lorenzo Vidino, chuyên gia tại Trường ĐH George Washington (Mỹ), chỉ ra rằng phần lớn người châu Âu từng đến Syria tham gia IS khi trở về nước đều không bị buộc tội vì không đủ bằng chứng. Đối với những đối tượng bị xét xử và kết tội, hầu hết bản án là không nặng (từ 3-5 năm). Ngoài ra, trong những năm đầu trỗi dậy của IS, hầu hết các nước Liên minh châu Âu (EU) không có luật cấm công dân gia nhập IS hoặc bất kỳ tổ chức khủng bố nước ngoài nào. Trước mắt, theo ông Vidino, các nước EU không thể làm gì nhiều ngoài việc tiếp tục theo dõi các tay súng IS về nước.