Xu hướng này thể hiện rõ qua bảng xếp hạng Chỉ số khỏe mạnh toàn cầu (GWI) được Công ty Đầu tư LetterOne (Luxembourg) công bố mới đây.
Bảng xếp hạng dựa trên một loạt yếu tố, như chi tiêu của chính phủ cho chăm sóc sức khỏe, trầm cảm, uống rượu, hút thuốc, tập thể dục, tuổi thọ, mức độ hạnh phúc… Canada đứng đầu trong số 151 quốc gia được đánh giá. Ông Richard Davies, chuyên gia kinh tế người Anh và là người soạn thảo bảng xếp hạng GWI, giải thích Canada có điểm số cao về các yếu tố huyết áp, tuổi thọ, chi tiêu y tế của chính phủ, mức độ hạnh phúc của người dân...
Đáng chú ý là sự thống trị của các quốc gia châu Á trong top 10 bảng xếp hạng: Philippines (thứ 4), Maldives (5), Singapore (7), Lào (8), Hàn Quốc (9) và Campuchia (10). Trong khi đó, Mỹ - nền kinh tế hàng đầu thế giới - xếp hạng 37 vì những vấn đề như béo phì, trầm cảm, không vận động… Vị trí 15 của Anh cũng xuất phát từ hai vấn đề chính là béo phì và lười vận động. Một số quốc gia phát triển như Nhật Bản, Đức, Pháp và Ý không thể vào top 25 vì vướng vấn đề huyết áp cao.
Người dân đi bộ trên đường phố Orchard đông đúc ở Singapore Ảnh: THE STRAITS TIMES
Hồi tháng trước, một nghiên cứu khác của hãng tin Bloomberg chọn Tây Ban Nha là quốc gia khỏe mạnh nhất thế giới. Có thể thấy một số điểm chung từ 2 bảng xếp hạng này: Các quốc gia nhỏ đang dần chiếm giữ những vị trí hàng đầu. "Nhiều nền kinh tế mới nổi đạt điểm số cao hơn một số quốc gia tiên tiến. Điều này xuất phát từ sự gia tăng tuổi thọ đáng kể ở các nước đang phát triển trong những năm gần đây" - ông Davies đánh giá. Chuyên gia này cũng chỉ ra tỉ lệ trầm cảm và béo phì cao ở các nước tiên tiến.
Theo ông Davies, các nền kinh tế trong tương lai có thể được đánh giá dựa theo 3 loại - các chỉ số truyền thống (như tổng sản phẩm quốc nội và tỉ lệ việc làm), các chỉ số cho thấy một quốc gia công bằng đến đâu và các chỉ số mới về sức khỏe, hạnh phúc.