Xung đột quân sự leo thang ở Libya đang làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến toàn diện trong bối cảnh các phe phái đang tranh giành quyền lực quyết liệt.
Trong diễn biến gây lo ngại mới nhất, lực lượng nổi dậy tự xưng là Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng Khalifa Haftar đứng đầu hôm 4-4 bắt đầu di chuyển từ miền Đông đến thủ đô Tripoli, nơi đặt trụ sở của Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được cộng đồng quốc tế công nhận. Theo sau động thái trên, các lực lượng đồng minh của GNA đã triển khai các tay súng và đưa vũ khí từ các thị trấn ven biển Misrata, Zawiya về các khu vực quanh thủ đô. Binh sĩ Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Tripoli cũng được đặt trong tình trạng báo động cao sau khi LNA đánh bại lực lượng đồng minh của Thủ tướng Fayez al-Sarraj và chiếm được thị trấn Gharyan, cách Tripoli 80 km về phía Nam.
Các thành viên lực lượng thân GNA kiểm tra số xe quân sự thu của LNA tại Zawiyah, phía Tây Tripoli hôm 5-4. Ảnh: REUTERS
Theo đài Al Jazeera, chiến sự leo thang giữa lúc Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres có mặt ở Tripoli để giúp tổ chức một hội nghị bàn về kế hoạch tổ chức bầu cử ở Libya. Nhà lãnh đạo LHQ này cũng có cuộc gặp với tướng Haftar ở TP Benghazi hôm 5-4 và sau đó cho biết ông rời khỏi Libya với trái tim trĩu nặng. Có thể hiểu được nỗi lo của ông Guterres bởi chỉ vài giờ sau cuộc gặp, LNA tuyên bố đã giành quyền kiểm soát sân bay quốc tế Tripoli, ở ngoại ô thủ đô. Theo đài BBC, tướng Haftar nói với ông Guterres rằng chiến dịch quân sự nói trên sẽ không dừng lại chừng nào lực lượng ông chưa đánh bại được "chủ nghĩa khủng bố".
Diễn biến căng thẳng nói trên đe dọa phá hỏng kế hoạch được LHQ hậu thuẫn nhằm mang lại ổn định cho quốc gia đang chứng kiến cuộc tranh giành quyền lực giữa GNA ở phía Tây và một chính quyền song song ở phía Đông hiện bắt tay với LNA. Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Hội đồng Bảo an LHQ đã lên án giao tranh mới nhất ở Libya và thúc giục các bên liên quan "chấm dứt lập tức mọi hoạt động quân sự".
Bạo lực và chia rẽ đã phủ bóng Libya kể từ khi nhà lãnh đạo lâu năm Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại năm 2011. Sau biến động này, ông Haftar, 75 tuổi, trở về Libya và trở thành thủ lĩnh phiến quân. Nhân vật này gần đây trỗi dậy mạnh mẽ với sự hậu thuẫn của một số nước như Ai Cập, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Theo Al Jazeera, ông Haftar xem bản thân là giải pháp duy nhất cho tình trạng bất ổn tại Libya hiện nay nhưng nhiều người dân lo sợ về một chế độ độc đoán dưới thời ông này.
Giới phân tích hiện chia rẽ về khả năng thành công của chiến dịch tấn công Tripoli do ông Haftar phát động. Ông Mansour El-Kikhia, chuyên gia tại Trường ĐH Texas (Mỹ), cho rằng nỗ lực của Haftar có thể thành công, nhất là khi các nhóm vũ trang thân GNA không thể đọ với LNA, ước tính có 25.000 tay súng và được huấn luyện bài bản. Trái lại, nhà phân tích chính trị Saleh El Bakkoush tại Tripoli lại không tin vào kết quả trên. Theo chuyên gia này, các lực lượng ủng hộ GNA đang lên tinh thần sau khi bắt sống 140 tay súng LNA tại một chốt kiểm soát cách Tripoli 30 km về phía Tây hôm 5-4. Riêng ông Emad Badi, học giả tại Viện Trung Đông (Mỹ), nhận định tình hình khó có thể xuống thang trong những ngày tới. "Nếu lực lượng của ông Haftar không rút đi, xung đột công khai sẽ kéo dài một thời gian" - ông Badi cho biết.
Tình hình bất ổn gia tăng ở Libya đang đe dọa đến nguồn cung dầu toàn cầu và là một trong những yếu tố khiến giá dầu tăng hôm 5-4. Là thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Libya thời gian qua chứng kiến sản lượng dầu khai thác ở miền Đông trồi sụt thất thường do xung đột giữa các phe phái ở đó. Giờ đây, giới phân tích đang theo dõi sát sao liệu lực lượng ông Haftar có thể kiểm soát được miền Tây thông qua chiến dịch quân sự mới nhất của mình hay không. Đài CNBC dẫn lời một số chuyên gia cho rằng một kịch bản như thế có thể là tin tiêu cực đối với giá dầu bởi đất nước Libya dưới sự lãnh đạo của một chính quyền hợp nhất có thể cho phép bán nhiều dầu thô hơn ra thị trường.
Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Nhật Minh - (dongbang.vn)