Đó là cảnh báo được đưa ra trong báo cáo mới về chỉ số hòa bình thế giới được Viện Kinh tế và Hòa bình (IEP, trụ sở ở Úc) công bố hôm 12-6. Đây là lần đầu tiên IEP đề cập nguy cơ của tình trạng toàn cầu ấm dần lên đối với hòa bình thế giới.
Theo báo cáo, biến đổi khí hậu gây ra xung đột do sự cạnh tranh các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, từ đó đe dọa đến sinh kế của người dân và gây ra hiện tượng di dân hàng loạt. Điều đáng lo là gần 1 tỉ người hiện sống trong những khu vực có nguy cơ cao chịu tác động của tình trạng toàn cầu ấm dần lên. Khoảng 40% người trong số này sống tại các nước đang có xung đột.
Nông dân ở Úc đang đối mặt tình trạng hạn hán và sa mạc hóa do tác động của biến đổi khí hậu Ảnh: ABC News
Một số chuyên gia hoan nghênh việc xem biến đổi khí hậu là một yếu tố đe dọa gây ra xung đột. Ông Manish Bapna, Giám đốc quản lý Viện Tài nguyên thế giới (Mỹ), nhận định với hãng tin Reuters rằng việc biến đổi khí hậu trở thành một phần của chỉ số hòa bình thế giới cho thấy chúng ta cần nhanh chóng hành động để đối phó mối đe dọa này. Báo cáo của IEP cho biết 9 quốc gia đối mặt nhiều nguy cơ nhất từ biến đổi khí hậu đều ở châu Á, trong đó có Philippines, Bangladesh, Myanmar, Trung Quốc…
Chỉ số hòa bình thế giới của IEP được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ các tổ chức và viện nghiên cứu, chính phủ và trường đại học. Theo đài ABC News, báo cáo năm 2019 xếp hạng 163 nước dựa trên những tiêu chí như an toàn, an ninh, mức độ án mạng, xung đột đang diễn ra, quân sự hóa…Đứng đầu danh sách là Iceland trong lúc đội sổ là Afghanistan.
Nhìn chung, báo cáo của IEP nhận định thế giới hiện ít yên bình hơn 10 năm trước do những yếu tố như cuộc xung đột ở Trung Đông, sự gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và làn sóng người tị nạn.