Theo hãng tin AP, ngay khi vừa rời khỏi trung tâm cải huấn Lai Chi Kok, Hoàng tuyên bố sẽ sớm tham gia đợt biểu tình mới nhất, đồng thời kêu gọi Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ chức.
"Dù có chuyện gì xảy ra, tôi sẽ tham gia cuộc biểu tình sớm thôi. Bà ấy (Lâm Trịnh Nguyệt Nga) không còn đủ điều kiện để trở thành lãnh đạo của Hồng Kông. Bà ấy phải chịu trách nhiệm và từ chức cũng như rút lại dự luật dẫn độ hoàn toàn" – Hoàng tuyên bố trước các phóng viên.
Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông cũng lên án nhà chức trách đã sử dụng hơi cay và đạn cao su trong các cuộc đụng độ dữ dội giữa người biểu tình và cảnh sát ngày 12-6.
Hoàng Chi Phong (phái sau) đến tưởng niệm một người biểu tình thiệt mạng sau khi ra tù ngày 17-6. Ảnh: AP
"Khi tôi ở trong tù, tôi thấy bà Lâm khóc trên sóng truyền hình trực tiếp. Tất cả những gì tôi có thể nói là, khi bà ấy rơi nước mắt, cư dân Hồng Kông đã đổ máu ở quận Admiralty (nơi diễn ra các cuộc đụng độ)" – Hoàng nói.
Thủ lĩnh sinh viên Hồng Kông bị kết án 2 tháng tù giam (giảm từ 3 tháng vì lúc bị bắt, anh ta chỉ là một thiếu niên) về vai trò trong cuộc biểu tình "Phong trào dù" năm 2014.
Hoàng được thả tự do sau cuộc biểu tình lớn gần văn phòng chính quyền đặc khu ngày 16-6. Ban tổ chức cho biết cuộc biểu tình này đã thu hút "gần 2 triệu người". Tuy nhiên, cảnh sát thống kê khoảng 338.000 người biểu tình được ghi nhận vào "thời khắc cao điểm" của cuộc tuần hành.
Tuyến đường gần Hội đồng Lập pháp đã thông thoáng trở lại. Ảnh: AP
Sáng 17-6, người biểu tình đồng ý rời khỏi các con đường để cảnh sát nối lại hoạt động giao thông như bình thường. Họ di chuyển tới quảng trường bên ngoài văn phòng chính quyền đặc khu và một công viên rộng rãi gần đó.
Trong một tuyên bố được đưa ra vào tối 16-6, bà Lâm gửi lời xin lỗi cư dân Hồng Kông và hứa sẽ ghi nhận mọi chỉ trích cũng như cải thiện và phục vụ công chúng tốt hơn.
Đáp lại, các nhà hoạt động dân chủ cho biết điều này là không đủ. "Đây là một sự xúc phạm và đánh lừa những người đã xuống đường!" – phong trào Mặt trận Nhân quyền tuyên bố.