Cánh cửa ngoại giao Mỹ - Iran đóng vĩnh viễn?

Thứ tư, 26 Tháng 6 2019 08:21 (GMT+7)
Động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ đe dọa giảm đi cơ hội cho giải pháp ngoại giao hoặc xuống thang căng thẳng với Iran

Giới chức Iran hôm 25-6 có phản ứng mạnh sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump bổ sung các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Tehran sau vụ máy bay không người lái Mỹ bị bắn hạ vào tuần rồi. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi viết trên Twitter rằng động thái trừng phạt "vô ích" của Mỹ nhằm vào nhà lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và những quan chức hàng đầu khác của Tehran đã "vĩnh viễn đóng cửa" con đường ngoại giao giữa hai nước. Theo Reuters, tuyên bố này cũng cáo buộc Washington đang phá hoại các cơ chế quốc tế được thiết lập để duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

Washington và Tehran đang tranh cãi về vị trí của chiếc máy bay không người lái Mỹ khi bị bắn hạ hôm 20-6. Iran khẳng định máy bay này ở trong không phận mình, trong lúc Mỹ cho biết nó trong không phận quốc tế. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt diễn biến đẩy quan hệ hai nước thêm xấu đi sau khi chính quyền ông Trump vào năm ngoái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân được Iran và một số cường quốc ký kết năm 2015. 

Đại sứ Iran tại Liên Hiệp Quốc Majid Takht Ravanchi nói với các phóng viên rằng Tehran sẽ không bao giờ đồng ý đối thoại với Washington chừng nào còn bị nước này đe dọa trừng phạt.

Cánh cửa ngoại giao Mỹ - Iran đóng vĩnh viễn? - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei vừa bị Mỹ trừng phạt Ảnh: REUTERS

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh áp đặt trừng phạt nhằm vào ông Khamenei và 8 chỉ huy quân đội cấp cao của Iran hôm 24-6, Washington thông báo sẽ tiếp tục công bố bước đi tương tự nhằm vào Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif trong tuần này. Trang The Hill nhận định các biện pháp trừng phạt mới đánh dấu sự thay đổi chiến lược của Washington kể từ khi theo đuổi chính sách cứng rắn với Tehran. 

Trước đó, Mỹ chỉ tập trung "đánh" các lĩnh vực dầu, kim loại và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran nhằm gây sức ép lên nền kinh tế quốc gia Trung Đông này. Lần này, Washington muốn ngăn giới lãnh đạo Iran tiếp cận hệ thống tài chính hoặc bất kỳ tài sản nào ở Mỹ.

Tuy nhiên, tờ The New York Times hoài nghi về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt mới nhất. Lần gần đây nhất ông Khamenei rời Iran là vào tháng 4-1989 trong lúc đế chế kinh doanh Setad được cho là chịu sự kiểm soát của nhà lãnh đạo này không dựa nhiều vào các ngân hàng nước ngoài. Vì thế, việc cấm ông nhập cảnh Mỹ hoặc làm ăn với các định chế tài chính Mỹ hầu như không có tác dụng gì mà chủ yếu mang tính biểu tượng.

Theo tạp chí The New Yorker, tác động chính của lần trừng phạt này có thể mang tính chính trị, tức giảm đi cơ hội xuống thang căng thẳng và triển vọng về một giải pháp ngoại giao. Chẳng hạn như việc Mỹ trừng phạt ông Khamenei có thể bị xem là hành động chính thức kêu gọi thay đổi chế độ ở Iran. 

Không gì lạ khi một số chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ có thể phản tác dụng. Mục tiêu của chính quyền ông Trump là buộc Iran có những nhượng bộ về chương trình hạt nhân, phát triển tên lửa và chính sách đối ngoại tại khu vực. Ngay cả khi Iran chịu ngồi vào bàn đàm phán trong thời gian tới, các cuộc thảo luận nhằm hướng tới mục tiêu này vẫn sẽ vô cùng khó khăn.

Một vấn đề khác là trừng phạt không được xem là công cụ hoàn hảo bởi chúng có thể mất nhiều năm hoặc thập kỷ để phát huy tác dụng. Ngoài ra, trừng phạt chỉ tỏ ra hiệu quả nhất khi có sự nhất trí của cộng đồng quốc tế. Đây lại là điều Mỹ không có lúc này khi giữa họ và các đồng minh ở châu Âu đang chia rẽ về chính sách đối với Iran. 

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới