Mạng lưới đồng minh của Mỹ bị đe dọa

Thứ tư, 17 Tháng 7 2019 08:22 (GMT+7)
Bên cạnh các vấn đề liên quan đến Trung Quốc, Nga và Iran, Mỹ đang phải đối mặt với một thách thức ngoại giao không nhỏ ngay trong mạng lưới đồng minh của họ: sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản.

Sau khi Nhật Bản công bố các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc hồi đầu tháng 7, tình hình đã trở nên căng thẳng đến mức Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuần rồi thừa nhận quan hệ 2 nước đang ở mức "báo động chưa từng có". Theo Yonhap, sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc có thể đe dọa liên minh Washington - Tokyo - Seoul, cản trở nỗ lực của Washington về việc dựa vào đồng minh để duy trì lợi ích địa chính trị và sự ổn định trong khu vực.

Theo báo cáo được Lầu Năm Góc công bố vào tháng rồi, Washington xem Seoul và Tokyo là những đồng minh chiến lược quan trọng trong cuộc chiến chống lại các mối đe dọa tiềm tàng đến từ Trung Quốc, Triều Tiên và thậm chí là Nga.

Mạng lưới đồng minh của Mỹ bị đe dọa - Ảnh 1.

Người Hàn Quốc biểu tình phản đối lệnh hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản ở Seoul hôm 11-7.Ảnh: AP

Một quan chức cấp cao giấu tên của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 15-7 cho biết Washington đã cam kết cân nhắc hòa giải căng thẳng Hàn Quốc - Nhật Bản, đồng thời kêu gọi 2 nước tránh để mâu thuẫn thương mại leo thang thành xung đột an ninh gây tổn hại đến mạng lưới đồng minh 3 nước.

Theo chuyên gia nghiên cứu châu Á Evan S. Medeiros, từ Trường ĐH Georgetown (Mỹ), châu Á đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đến từ căng thẳng Seoul - Tokyo và Mỹ là quốc gia duy nhất có thể "sửa chữa" vấn đề, bởi họ là quốc gia duy nhất mà cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản đều lắng nghe.

Điều này từng xảy ra vào năm 2014 khi quan hệ Seoul - Tokyo tồi tệ đến mức Thủ tướng Abe Shinzo không gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc vào thời điểm đó là bà Park Geun-hye trong khoảng 1 năm kể từ khi bà nhậm chức. Theo báo The Washington Post, Tổng thống Mỹ thời điểm đó là ông Barack Obama đã tổ chức một cuộc họp với ông Abe và bà Park. Sau cuộc họp này, hai nhà lãnh đạo đồng ý gạt bỏ những mâu thuẫn trong quá khứ để nối lại và tăng cường hợp tác quốc phòng về vấn đề Triều Tiên.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu chính quyền Tổng thống Donald Trump có tích cực tham gia vào quá trình hòa giải hay không, bởi các chính sách của ông dường như tập trung vào việc cắt giảm sự mất cân bằng thương mại với đồng minh cũng như giảm sự bất công trong vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng chung. 

Cao Lực - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới