Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách mua sắm, công nghệ và hậu cần, bà Ellen Lord, tuyên bố Washington và các đối tác đã đình chỉ Ankara và khởi động quá trình chính thức loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Theo quan chức này, việc chuyển chuỗi cung ứng đối với F-35 sẽ khiến Mỹ tốn từ 500-600 triệu USD chi phí kỹ thuật không định kỳ.
"Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất hơn 900 bộ phận của F-35. Chuỗi cung ứng sẽ chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang các nhà máy chủ yếu nằm ở Mỹ sau khi các nhà cung cấp Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình. Chắc chắn họ sẽ tiếc nuối vì mất việc làm và cơ hội kinh tế trong tương lai bởi quyết định (mua S-400)" – bà Lord nói.
Mỹ tuyên bố loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35. Ảnh: Không quân Mỹ
Nhà Trắng trong một tuyên bố hôm 17-7 cũng nhấn mạnh F-35 không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga, được sử dụng để tìm hiểu các khả năng tiên tiến của nó.
Người phát ngôn của Tập đoàn Lockheed Martin - chịu trách nhiệm chế tạo F-35, Carolyn Nelson, nói: "Trong vài tháng qua, chúng tôi đã tìm các nguồn cung cấp thay thế ở Mỹ để nhanh chóng điều chỉnh vì Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn tham gia chương trình".
Lầu Năm Góc đã lên kế hoạch loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35, bao gồm tạm dừng huấn luyện cho các phi công Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Lord thông báo tất cả phi công và nhân viên quân sự tham gia khóa đào tạo F-35 của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến rời đi vào ngày 31-7.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng hành động trên của Mỹ là không công bằng và có thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước. "Chúng tôi đề nghị Mỹ thay đổi quyết định sai lầm có thể gây ra những vết thương không thể khắc phục trong quan hệ chiến lược" – Bộ này kêu gọi.
Trước đó, Washington cấm bán 100 tiêm kích F-35 cho Ankara, dự kiến bàn giao đến năm 2020. Mỹ đang xem xét mở rộng doanh số F-35 cho 5 quốc gia khác, bao gồm Romania, Hy Lạp và Ba Lan.
Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách David Trachtenberg lưu ý rằng Mỹ vẫn coi trọng mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và động thái trên chỉ là "phản ứng cụ thể đối với một hành động cụ thể".