Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 52 được tổ chức tại Bangkok - Thái Lan từ ngày 29-7 đến 3-8, với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề "hòa bình, an ninh và thương mại".
Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng với các Đối tác Đối thoại và các cuộc họp khác - theo báo The Thaiger. Các cuộc họp khác bao gồm Ủy ban Nhân quyền liên Chính phủ ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 (APT) lần thứ 20, Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 9 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 26. Sẽ có tổng cộng 27 cuộc họp đầy đủ cộng với các phiên họp bên lề tại sự kiện này.
Tham dự hội nghị, ngoài 10 quốc gia Đông Nam Á, còn có 10 đối tác đối thoại cùng một số quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov sẽ là đối tác đối thoại quan trọng tại các cuộc họp. Theo trang Ecsn (Trung Quốc), các ông Vương và Pompeo có thể có những tuyên bố quan trọng lần này.
Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN và các đối tác sẽ tham dự các cuộc họp ở Bangkok - Thái Lan từ ngày 29-7 đến 3-8Ảnh: THE BANGKOK POST
Đối chiếu Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc với các mối liên kết thương mại cởi mở với các mức thuế sản phẩm của Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Kitti Prasirtsuk - Trường Đại học Thammasat ở Bangkok - nhấn mạnh: "ASEAN có thể đóng vai trò ủng hộ chủ nghĩa tự do vượt trên chủ nghĩa bảo hộ".
Ngoại trưởng Mỹ đến Bangkok trong ngày 30-7 để tái khẳng định cam kết của Mỹ với ASEAN. Ông Pompeo sẽ đồng chủ trì các hội nghị Bộ trưởng Mỹ - ASEAN và Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong vào ngày 1-8. Một ngày sau, ông sẽ phát biểu tại Hiệp hội Siam về sự tham gia kinh tế của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Sau đó, ông Pompeo sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á và Diễn đàn Khu vực ASEAN. Ngoài ra, ông cũng sẽ hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan để bàn bạc các phương cách tăng cường hơn nữa liên minh Mỹ - Thái. Ông Pompeo rời khỏi Thái Lan đi Úc vào ngày 3-8.
Theo lịch, cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc cũng diễn ra ngày 31-7. Sự hợp tác giữa Trung Quốc và ASEAN trong các lĩnh vực như Vành đai và Con đường, sông Mekong và việc tài trợ dự án thông qua Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á có trụ sở ở Bắc Kinh cũng sẽ được chú ý. Đặc biệt, một quan chức Thái Lan nói với báo The Bangkok Post rằng ASEAN "sẽ cho phép các nước thảo luận những mối lo ngại đang diễn ra như cuộc khủng hoảng người Rohingya và tranh chấp trên biển Đông", bao gồm cả tiến trình về Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Quan chức này xác nhận: "Chúng tôi sẽ dùng các diễn đàn để tìm cách giảm bớt căng thẳng, xây dựng niềm tin, tìm kiếm giải pháp khả thi". Một viên chức Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận vấn đề biển Đông cũng sẽ được Mỹ đặt lên bàn hội nghị tại Bangkok.
Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.
Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Cuối tuần qua, hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát. Tuyên bố nêu rõ sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế.