Hình ảnh mô phỏng hầm đường sắt xuyên biển nối Helsinki và Tallinn. Ảnh: Bloomberg
Theo đó, quốc gia vùng Baltic với 1,3 triệu dân này muốn có thêm thông tin chi tiết về khoản tài trợ, kế hoạch kinh doanh cũng như vai trò của Phần Lan trước khi đồng ý thực thi dự án. “Chúng tôi cần biết rõ nguồn tiền tài trợ dự án đến từ đâu và số tiền đó là bao nhiêu. Nơi nào đứng ra đảm bảo dự án sẽ được hoàn thành. Nhà phát triển dự án đến nay không đưa ra phản hồi về cách họ ước tính lượng người sẽ đi qua đường hầm này” - Bộ trưởng Kinh tế Estonia Taavi Aas nói trong một cuộc phỏng vấn.
Trong khi đó, trong bức thư hồi tháng rồi gửi tới các nhà phát triển dự án yêu cầu đưa ra kế hoạch chi tiết hơn, Bộ trưởng Hành chính công Estonia Jaak Aab cho rằng kế hoạch đưa đường hầm đi vào hoạt động vào năm 2024 là không thực tế khi mà một nghiên cứu hồi năm 2018 cho thấy công tác xây dựng đường hầm sẽ mất tới 15 năm. Dù vậy, vé tàu đã được mở bán từ tháng 12 năm ngoái. Theo đó, hành khách đi một chiều sẽ tốn 50 euro/lượt trong khi vé tàu một năm không giới hạn lượt đi/về được bán với giá 1.000 euro.
Theo kế hoạch, hầm đường sắt nói trên dài 103km - một phần của sáng kiến “Vành đai, Con đường” của Trung Quốc, được thiết kế nhằm nối sân bay Helsinki-Vantaa và sân bay Tallinn với hai nhà ga ở giữa. Đây được xem là một trong những dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất châu Âu. Dự án do công ty Touchstone Capital Partners thuộc quyền sở hữu của các doanh nghiệp Trung Quốc cấp vốn này đòi hỏi phải xây dựng ít nhất một hòn đảo nhân tạo.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, hầm đường sắt xuyên biển nói trên sẽ giúp giảm đáng kể thời gian đi lại giữa Phần Lan và Estonia, từ mức 2 giờ bằng phà như hiện nay xuống còn 20-40 phút bằng tàu hỏa và nó dự kiến sẽ tạo ra một vùng đô thị thống nhất. Một nghiên cứu tiền khả thi được thực hiện hồi năm ngoái cho thấy nhu cầu vận chuyển hành khách giữa Helsinki và Tallinn có thể tăng từ con số 9 triệu trong năm 2017 lên 23 triệu vào năm 2050, trong đó có 12,5 triệu hành khách đi qua đường hầm. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ ra rằng dự án này sẽ không thể triển khai nếu Liên minh châu Âu (EU) không tài trợ 40% chi phí xây dựng. Ngoài ra, dự án cũng cần sự bảo lãnh từ Chính phủ Estonia và Phần Lan. Trong khi đó, Chính phủ Estonia tỏ ra "dị ứng" với sáng kiến của Trung Quốc và muốn đảm bảo rằng nó không gây ra những hệ lụy sau này. Thế nên, khả năng dự án được thảo luận suốt 2 thập niên qua có thể tiếp tục bị trì hoãn vô thời hạn là khó tránh khỏi.
Đây không phải là lần đầu một dự án đường hầm xuyên biển bị gác lại. Trước đó, một dự án tương tự nhằm xây dựng đường hầm dưới biển dài 18km giữa đảo Lolland (Đan Mạch) và đảo Fehmarn (Đức) cũng bị phá sản. Dù đủ điều kiện trở thành một dự án ưu tiên của EU, nhận được nguồn hỗ trợ kinh phí 16% từ EU và cuối cùng nhận được sự chấp thuận từ Chính phủ Đức và Quốc hội Đan Mạch, nhưng nó vẫn gặp trở ngại trong giai đoạn tiền xây dựng khi mà hãng phà Đan Mạch Scandlines, công ty bị dự án ảnh hưởng nặng nề, khiếu nại thành công. Cuối năm ngoái, Tòa sơ thẩm châu Âu phán quyết rằng viện trợ nhà nước Đan Mạch dành cho dự án là bất hợp pháp. Tháng 6 vừa qua, Ủy ban châu Âu đã mở một cuộc điều tra về nguồn tài trợ của dự án. Kết quả là dự án bị đóng băng.