Trong tháng này, Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã tạm thời đóng băng một số nguồn quỹ phân bổ cho Bộ Ngoại giao và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ nhằm cắt bớt 4,3 tỉ USD đã được lưỡng viện Quốc hội phê chuẩn. Các khoản bãi bỏ gồm ngân sách dành cho hoạt động gìn giữ hòa bình, nhân đạo, nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, quỹ hỗ trợ các nước Honduras, Guatemala và El Salvador cùng nhiều chương trình văn hóa.
Hồi đầu tuần, Tổng thống Trump (ảnh) cho biết đang xem xét mở rộng diện cắt giảm viện trợ và sẽ có quyết định trong vài ngày tới. Tuy nhiên, giới lập pháp bao gồm cả một số thành viên đảng Cộng hòa đã tiếp xúc với các quan chức chính quyền để phản đối. Kết quả là hôm 22-8, Reuters dẫn lời một số quan chức thông báo Nhà Trắng sẽ từ bỏ nỗ lực thúc đẩy kế hoạch cắt giảm viện trợ mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội. Động thái này thể hiện bước thay đổi đáng kể của Tổng thống Trump trên mặt trận đàm phán với Đồi Capitol.
Ủng hộ duy trì viện trợ, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch cho biết cơ quan này cũng chia sẻ quan ngại của tổng thống về việc Mỹ cần chặt chẽ trong kiểm soát tiền của nước này đi về đâu và hy vọng có thể làm việc với chính quyền về vấn đề đó trong tương lai. Trên Twitter, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer thì cho rằng Tổng thống Trump nên “rút kinh nghiệm không chơi trò chơi ngân sách”. Theo Hiến pháp Mỹ, chi tiêu ngân sách được đặt dưới sự kiểm soát của Quốc hội chứ không phải Nhà Trắng. Dù vậy, chính quyền Trump trước đó tin rằng họ có thẩm quyền để hủy bỏ các nguồn viện trợ “đang bị phung phí và lạm dụng”.
► Chia rẽ trong chính phủ
Không chỉ dấy lên tranh cãi với Quốc hội, chủ trương bãi bỏ viện trợ của Nhà Trắng còn khơi mào cuộc chiến hậu trường giữa các quan chức nội các và cố vấn ngân sách. Trong khi quyền Giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách Russell Vought và quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney vận động kiềm chế chi tiêu, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cùng Ngoại trưởng Mike Pompeo cảnh báo các khoản cắt giảm có thể ảnh hưởng mục tiêu chính sách đối ngoại, làm tổn hại an ninh quốc gia. Ngoài ra, nó sẽ gây bất lợi cho cuộc đàm phán lưỡng đảng trước thời hạn 30-9 để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa lần nữa và cản trở Nhà Trắng cùng Quốc hội thực hiện các thỏa thuận phân bổ ngân sách trong tương lai.
Với “nhượng bộ” từ chính quyền, CNN cho rằng các nhà vận động chính sách giờ đây có thể hài lòng, rằng chính quyền Trump đã nhận ra tầm quan trọng của các chương trình hỗ trợ nước ngoài để giữ an toàn cho nước Mỹ và đảm bảo vị thế của Washington trên sân chơi toàn cầu.
Ủng hộ quan điểm này, kết quả nghiên cứu của Đại học Stanford mới đây cho thấy viện trợ của Chính phủ Mỹ trong các chương trình chống sốt rét, điều trị nhiễm HIV ở người lớn và trẻ em tại các nước đang phát triển đã thay đổi cách thế giới nhìn nhận về xứ cờ hoa theo hướng tích cực hơn, nói cách khác là làm tăng sức mạnh mềm của Mỹ. Trong 15 năm qua, Washington đóng góp viện trợ y tế nước ngoài nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, giúp giảm đáng kể gánh nặng bệnh tật, tăng tuổi thọ và cải thiện việc làm ở các nước nhận. Điều này có thể hỗ trợ Washington trong đàm phán ngoại giao, giúp thúc đẩy các chính sách phù hợp với ưu tiên và lợi ích quốc gia, đảm bảo vị thế của cường quốc số 1 thế giới.