Theo đó, nước này sẽ gia nhập “câu lạc bộ các quốc gia ưu tú” đưa được tàu đổ bộ lên bề mặt Mặt trăng gồm Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô. Và nếu mọi chuyện diễn ra như kế hoạch, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ hai sau Trung Quốc khám phá vùng tối của chị Hằng.
Tàu thăm dò Chandrayaan-2 được ISRO phóng đi hôm 22-7. Ảnh: CNN
Trước đó, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ (ISRO) hôm 22-7 đã phóng thành công tàu thăm dò Chandrayaan-2 lên Mặt trăng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan. Nặng 3,8 tấn, Chandrayaan-2 gồm 3 thiết bị chính là tàu bay quanh quỹ đạo Mặt trăng, trạm đổ bộ Vikram và xe thám hiểm Pragyan. Sau gần 2 tháng di chuyển ngoài không gian, Chandrayaan-2 tiến vào quỹ đạo cách bề mặt Mặt trăng 100km. Từ đây, trạm đổ bộ Vikram tách khỏi tàu chính và vào ngày 7-9 nó sẽ đáp xuống gần Cực Nam của Mặt trăng. Trong khi đó, xe thám hiểm Pragyan sẽ ra ngoài hoạt động, dành một ngày Mặt trăng (tương đương 2 tuần ở Trái đất) để thu thập mẫu hóa chất và khoáng vật để phục vụ cho công tác phân tích khoa học từ xa. Theo kế hoạch, Chandrayaan-2 trong năm tới sẽ lập bản đồ bề mặt và nghiên cứu lớp khí quyển ngoài Mặt trăng.
Cuộc đua Ấn-Trung Ấn Độ có thể cạnh tranh với đối thủ không gian trong khu vực là Trung Quốc hay không vẫn còn là nghi vấn. Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào chương trình không gian. Hồi tháng 1, Trung Quốc đã tạo nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên khám phá vùng tối của Mặt trăng. Đáng chú ý là Trung Quốc trong năm tới có kế hoạch phóng tàu thăm dò lên Mặt trăng, thu thập các mẫu hóa chất và trở về Trái đất. Bắc Kinh còn có kế hoạch phóng tàu thăm dò sao Hỏa đầu tiên vào năm 2020, thám hiểm quỹ đạo sao Hỏa, thu thập các mẫu hóa chất trên bề mặt hành tinh đỏ. Trung Quốc cũng đặt mục tiêu xây dựng trạm vũ trụ hoạt động thường xuyên vào năm 2022. |
Trong bài phát biểu hồi tháng 7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tự hào nói: “Sứ mệnh này đã khỏa lấp mọi nghi ngờ. Một lần nữa, khi nói đến khía cạnh nỗ lực trong thời đại mới, các lĩnh vực tiên tiến và lòng nhiệt huyết sáng tạo, không ai có thể hơn các nhà khoa học của chúng tôi. Họ là những người giỏi nhất, họ thuộc đẳng cấp thế giới”.
Hành trình thám hiểm không gian của Ấn Độ trong thập kỷ qua được đánh dấu bằng một loạt sứ mệnh thám hiểm với chi phí vận hành thấp, bởi ISRO có xu hướng sử dụng những tài năng trong nước thay vì bỏ tiền thuê chuyên gia nước ngoài. Quan trọng hơn, Ấn Độ biết tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có. Năm 2017, New Delhi đã phá kỷ lục thế giới khi phóng thành công một tên lửa đẩy mang theo 104 vệ tinh. Còn mới đầu năm nay, Thủ tướng Modi tuyên bố Ấn Độ đã bắn rơi thành công một vệ tinh ở độ cao 300km so với mặt đất, giúp Ấn Độ trở thành nước thứ tư có khả năng bắn hạ vệ tinh, bên cạnh Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Ấn Độ hồi năm 2014 đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên chạm tới sao Hỏa bằng tàu thăm dò không người lái Mangalyaan. Điều đáng nói là sứ mệnh khám phá sao Hỏa của Ấn Độ chỉ tiêu tốn 74 triệu USD, chưa bằng một nửa số tiền 187 triệu USD mà Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) chi để phóng tàu vũ trụ Maven lên đây vào năm 2013. Riêng sứ mạng của tàu thăm dò Chandrayaan-2 tiêu tốn chưa bằng phân nửa bộ phim bom tấn mới đây của Hollywood “Avengers: Endgame” (Biệt đội siêu anh hùng 4: Hồi kết) với số tiền lên đến 356 triệu USD. Hồi năm 2008, Ấn Độ cũng đã phóng tàu thăm dò Chandrayaan-1 lên Mặt trăng. Tuy thất bại nhưng Chandrayaan-1 đã phát hiện ra các phân tử nước trên bề mặt Mặt trăng. Hiện Ấn Độ có kế hoạch phóng tàu thăm dò Chandrayaan-3, dự kiến vào năm 2023 hoặc 2024. Ngoài ra, New Delhi đến năm 2022 có kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người lái lên không gian.