Động thái trên có thể khiến các ngư dân địa phương phẫn nộ. Theo Bộ Môi trường Nhật Bản, ban điều hành của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho biết nhà kho của họ sẽ hết chỗ chứa vào năm 2022. Vì vậy, một lượng lớn nước nhiễm phóng xạ sẽ bị đổ trực tiếp vào Thái Bình Dương.
Kể từ khi Fukushima Daiichi bị sóng thần tấn công hồi tháng 3-2011, nhà máy này tích trữ hơn 1 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ, buộc hàng chục ngàn người phải sơ tán.
Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) cũng vất vả đối phó với sự tích tụ nước ngầm vốn bị ô nhiễm khi trộn với nước được sử dụng để ngăn chặn 3 lõi lò phản ứng bị hư hại. Tepco cố gắng loại bỏ hạt nhân phóng xạ ra khỏi lượng nước dư thừa nhưng không loại bỏ được nước tritium, một đồng vị phóng xạ hydro. Các nhà máy hạt nhân ven biển thường đổ nước có chứa tritium vào đại dương.
Ban điều hành của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi cho biết nhà kho của họ sẽ hết chỗ chứa vào năm 2022. Ảnh: Reuters
Hồi năm ngoái, Tepco thừa nhận nước trong bể chứa của nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vẫn chứa chất gây ô nhiễm bên cạnh tritium. Bộ trưởng Môi trường Nhật Bản Yoshiaki Harada phát biểu tại một cuộc họp báo tại Tokyo hôm 10-9 rằng lựa chọn duy nhất là đổ thẳng nước ô nhiễm trong bể chứa ra biển và pha loãng nó.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản chưa đưa ra quyết định về cách xử lý vấn đề trên cho tới khi nhận được báo cáo từ hội đồng chuyên gia. Một số giải pháp khác bao gồm xử lý bốc hơi hoặc lưu trữ trên đất liền trong một thời gian dài.
Một nghiên cứu gần đây của chuyên gia Hiroshi Miyano đến từ Hiệp hội Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản cho biết có thể mất 17 năm để xả nước đã xử lý sau khi nó được pha loãng. Điều này nhằm giảm lượng chất phóng xạ xuống mức đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của nhà máy.