Cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công: Trung Đông căng, châu Á lo

Thứ tư, 18 Tháng 9 2019 10:09 (GMT+7)
Một quan chức Ả Rập Saudi nói thông tin tình báo của Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự nhúng tay của Iran trong vụ tấn công cơ sở dầu hôm 14-9

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi hôm 16-9 cho biết sẽ mời các chuyên gia quốc tế, trong đó có cả người của Liên Hiệp Quốc, tham gia điều tra vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu của mình vào cuối tuần rồi.

Tuyên bố của bộ này cho biết kết quả điều tra sơ bộ cho thấy vũ khí của Iran được sử dụng trong vụ tấn công làm hư hại nhà máy xử lý dầu thô lớn nhất thế giới và khiến sản lượng dầu của Riyadh bị sụt giảm hơn phân nửa. Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cảnh báo nước này sẽ có biện pháp phù hợp dựa trên kết quả cuộc điều tra để bảo đảm an ninh và ổn định của mình.

Cùng ngày, tờ The Wall Street Journal dẫn nguồn tin giấu tên cho biết thông tin tình báo Mỹ được chia sẻ với Ả Rập Saudi cho rằng vụ tấn công hôm 14-9 được phát động từ Iran, với hơn 10 tên lửa và khoảng 20 máy bay không người lái được sử dụng. Dù vậy, một quan chức Ả Rập Saudi nói với tờ báo rằng báo cáo của Mỹ không cung cấp đủ bằng chứng thuyết phục về sự nhúng tay của Tehran trong vụ tấn công.

Chính phủ Iran cho đến giờ vẫn phủ nhận sự liên quan. Riêng Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói vụ tấn công trên do "người dân Yemen" tiến hành để đáp trả hành động của liên minh quân sự do Ả Rập Saudi dẫn đầu đang chống lại phong trào Houthi ở Yemen. Phong trào Houthi trước đó đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ việc.

Vụ tấn công nhằm vào ngành công nghiệp dầu mỏ Ả Rập Saudi lập tức khiến giá dầu tăng gần 15% hôm 16-9. Dù vậy, tình trạng tăng sốc này không còn trong ngày 17-9 giữa lúc thị trường chờ đợi những phản ứng tiếp theo đối với vụ tấn công. Giá vàng cũng có phản ứng tương tự.

Cơ sở lọc dầu của Ả Rập Saudi bị tấn công: Trung Đông căng, châu Á lo - Ảnh 1.

Một nhà máy lọc dầu ở Singapore. Châu Á là khu vực tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới Ảnh: Reuters

Sự hỗn loạn của thị trường dầu đang khiến các nhà máy lọc dầu ở châu Á, khu vực tiêu thụ nhiều dầu nhất thế giới, đang chạy đua tìm kiếm nguồn thay thế giữa lúc có nỗi lo về nguy cơ nguồn cung bị gián đoạn do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông. Các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… có thể chịu sức ép trong việc ủng hộ động thái trả đũa sắp tới của Mỹ, nếu có. Dù vậy, mục tiêu chính của họ sẽ là bảo đảm bất kỳ phản ứng nào cũng có chừng mực.

Ông Miha Hribernik, chuyên gia của Công ty Tư vấn rủi ro Verisk Maplecroft, nhận định với trang Bloomberg: Chính phủ các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều không muốn thấy bất kỳ sự leo thang nào của cuộc khủng hoảng. Riêng Hàn Quốc và Nhật Bản, theo ông Hribernik, sẽ phải thận trọng trong việc cân bằng lợi ích kinh tế và mối quan hệ liên minh với Mỹ trong những tuần tới. "Tokyo và Seoul sẽ lo lắng trước bất kỳ động thái trả đũa nào nhằm trực tiếp vào Iran" - chuyên gia này nhận định. Về lâu dài, theo một số nhà phân tích, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể thúc đẩy Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đi theo mô hình của Trung Quốc trong việc xây dựng hạ tầng chiến lược khắp thế giới để bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định.

Trước mắt, ông Isshu Sugawara, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản hôm 17-9 cho biết Tokyo sẽ cân nhắc mở kho dầu dự trữ chiến lược và các biện pháp khác nếu cần để bảo đảm nguồn cung đầy đủ.

Theo ông Sugawara, nước này có đủ lượng dầu dự trữ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa trong hơn 230 ngày. Ngoài ra, Tokyo sẽ hợp tác với Cơ quan Năng lượng quốc tế và những nước khác trong việc cung cấp dầu thông qua việc điều phối mở cửa kho dầu dự trữ chiến lược. Trước đó, ông D. Trump đã cho phép mở kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ nếu cần để bảo đảm thị trường không bị thiếu hụt. Ngoài ra, theo Reuters, các nhà sản xuất dầu thô Mỹ còn tăng cường nỗ lực xuất khẩu thêm hàng trong bối cảnh chưa rõ khi nào Ả Rập Saudi mới khôi phục lại sản lượng như trước khi xảy ra vụ tấn công.

Vì sao Mỹ không tấn công Iran?

Tổng thống Donald Trump hôm 16-9 khẳng định "có vẻ như Iran đứng sau các vụ tấn công nhà máy dầu ở Ả Rập Saudi" song nhấn mạnh ông không muốn phát động một cuộc chiến tranh với nước này. "Chúng tôi có nhiều phương án đáp trả nhưng hiện tại, chúng tôi chưa xem xét. Chúng tôi muốn xác định chính xác kẻ đứng sau vụ việc" - Tổng thống D.Trump tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh ông "không phải là một người mong muốn chiến tranh".

Trong suốt 16 tháng qua, ông chủ Nhà Trắng theo đuổi chính sách "duy trì sức ép tối đa" lên Tehran, bắt đầu bằng việc rút Washington khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào quốc gia này.

Tuy nhiên, theo báo Newsday, chính sách "sức ép tối đa" của Tổng thống D.Trump dường như phản tác dụng khi Tehran đã thực hiện hàng loạt động thái đáp trả cứng rắn, bao gồm gia tăng cấp độ làm giàu urani và bắn hạ máy bay không người lái (UAV) của Mỹ.

Hiện tại, giữa lúc căng thẳng 2 nước đang ở mức nguy hiểm, Tổng thống D.Trump không còn nhiều phương án trả đũa đợt không kích nhằm vào 2 cơ sở lọc dầu của đồng minh Ả Rập Saudi hôm 14-9. Đáp trả quân sự cũng là một giải pháp, song hậu quả theo sau có thể rất thảm khốc không chỉ với Mỹ hay Trung Đông mà còn với cả thế giới. Phải tính tới một phương án khác.

Giờ đây, ông chủ Nhà Trắng phải nỗ lực thuyết phục Iran quay lại đàm phán bằng việc cam kết tiến triển, bởi chính sách cứng rắn của ông đã thất bại.

Cao Lực

Hoàng Phương - (nld.com.vn)
T/h: Kim Nguyên - (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới