Đài Loan tìm cách giữ chặt đồng minh

Thứ bảy, 28 Tháng 9 2019 06:32 (GMT+7)
Trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, Đài Loan phải vất vả tìm cách củng cố quan hệ ngoại giao với những đồng minh còn lại.

Giữa tháng 9, cơ quan ngoại giao Đài Loan xác nhận đảo quốc Solomon đã chấm dứt quan hệ kéo dài 36 năm với vùng lãnh thổ này và chuyển sang thiết lập quan hệ với Trung Quốc. Bốn ngày sau, Kiribati ở Nam Thái Bình Dương cũng quay lưng với Đài Loan và hướng về Bắc Kinh.

Kể từ khi bà Thái Anh Văn lên lãnh đạo vào năm 2016, Đài Loan đã mất 7 đồng minh về tay Trung Quốc và hiện chỉ còn quan hệ ngoại giao chính thức với 15 quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương, Caribe cùng Vatican. Đài Bắc lo ngại “hiệu ứng domino” chấm dứt quan hệ ngoại giao sẽ còn tiếp tục khi Bắc Kinh đang gia tăng sức ép thông qua chiến lược “ngoại giao đôla” nhằm lôi kéo đồng minh của vùng lãnh thổ này.

Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào tương lai chính trị của bà Thái Anh Văn, nhân vật dám đương đầu với Bắc Kinh, trong cuộc bầu cử vào tháng 1-2020. Giáo sư Shaohua Hu tại Đại học Wagner (Mỹ) cũng cho rằng Trung Quốc nhắm đến đồng minh của Đài Bắc thực chất là chiến lược làm “bẽ mặt” bà Thái trong bối cảnh lãnh đạo Đài Loan đang nỗ lực vận động tranh cử thêm một nhiệm kỳ. Thực tế, các quần đảo ở Nam Thái Bình Dương không có ảnh hưởng đáng kể về chính trị-kinh tế đối với Bắc Kinh. Nếu nói mục tiêu chiến lược, Giáo sư Hu cho rằng giá trị này thường bị phóng đại vì hầu hết các quốc gia đều nhỏ và vị trí xa xôi.

►“Vận may” của Đài Loan

Sau những mất mát trong tháng này, người đứng đầu cơ quan ngoại giao Đài Loan Joseph Wu cáo buộc Trung Quốc “trắng trợn” tạo ra những sự cố ngoại giao để thao túng dư luận, gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử sắp tới và làm xói mòn tiến trình dân chủ. Đài Bắc tuyên bố kiên quyết duy trì quan hệ với đồng minh và “tăng cường quan hệ với các nền dân chủ thân thiện”. Chính quyền của bà Thái cũng đang theo đuổi chính sách hướng Nam mới với chủ trương xây dựng quan hệ kinh tế và văn hóa với các nước ở Nam và Đông Nam Á, giảm bớt sự phụ thuộc thương mại với Trung Quốc đại lục.

Bà Thái Anh Văn gặp Tổng thống Haiti Jovenel Moise trong chuyến thăm hồi tháng 7. Ảnh: Reuters

Phó Giáo sư Timothy Rich tại Đại học Western Kentucky (Mỹ) cho rằng cách tiếp cận quyết đoán hơn của Trung Quốc đã thúc đẩy phản ứng từ những nước dân chủ, tạo tiền đề để Đài Loan tăng cường quan hệ không chính thức với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU).

Chẳng hạn như hồi tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ đã phê duyệt thương vụ bán chiến đấu cơ F-16 trị giá 8 tỉ USD cho Đài Loan. Mới tuần rồi, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã hủy kế hoạch gặp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và Washington đang cân nhắc ngừng viện trợ cho quần đảo này. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ còn trực tiếp lên án việc Trung Quốc lôi kéo các đồng minh của Đài Loan là “nguy hiểm và làm suy yếu ổn định khu vực”. Ngoài Mỹ, Đài Loan cũng nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn từ các đồng minh không chính thức. Điển hình như việc Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Anh lên tiếng mời Đài Loan tham gia hội nghị Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) đang được tổ chức tại Canada. Hồi đầu năm, Mỹ cùng Đức, Nhật Bản, Úc và nhiều nước khác cũng ủng hộ mời Đài Loan tham dự hội nghị thường niên của Hội đồng Y tế Thế giới sau 3 năm vắng mặt do Trung Quốc phản đối.

Theo Phó Giáo sư Rich, các đồng minh còn lại của Đài Loan lựa chọn thế nào sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có thể kết hợp các ưu đãi mà Đài Loan không có được. Tuy nhiên, một trong những đồng minh của Đài Loan là quần đảo Marshall hôm 25-9 thẳng thắn cho biết tham vọng của Bắc Kinh mở rộng lãnh thổ và ảnh hưởng đang trở thành mối quan ngại to lớn với các quốc gia dân chủ, đồng thời xác nhận duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.

MAI QUYÊN - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới