Mẫu xe bọc thép Norinco VN-4 do Trung Quốc sản xuất.
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Mỹ từ năm 2014 đến 2018 là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, theo sau là Nga, Pháp, Đức và Trung Quốc. Số liệu SIPRI công bố hồi tháng 3 cho biết Mỹ vẫn thống trị sân chơi thương mại quân sự khi chiếm 36% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu, kế đến là Nga với 21% trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 5,2%. Khách hàng lớn nhất của Washington là Saudi Arabia, Nga chủ yếu bán cho Ấn Độ trong khi Pakistan mua nhiều của Trung Quốc. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đặc biệt đã đẩy mạnh bán vũ khí của Mỹ. Trong tài khóa 2018, xuất khẩu vũ khí của Mỹ đạt 55,6 tỉ USD, tăng đến 33% so với năm 2017.
Dựa trên thống kê thì Trung Quốc chiếm thị phần quá nhỏ so với Mỹ, nhưng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Clarke Cooper cảnh báo Bắc Kinh đang tìm cách mở rộng thị trường xuất khẩu vũ khí thông qua chiến lược giảm giá bán, ngoại giao “bẫy nợ” thậm chí là hối lộ. Theo ông, ý định của Trung Quốc không dừng lại ở xuất khẩu vũ khí mà còn muốn trói buộc đồng minh Mỹ bằng “bẫy nợ” cùng nhiều hình thức lợi dụng khác, từ đó giảm ảnh hưởng của Washington. Trong khi Mỹ dành gần 10 tỉ USD hàng năm hỗ trợ an ninh và quốc phòng cho đồng minh khắp thế giới, ông Cooper cho biết Trung Quốc lại dựa vào hoạt động chuyển giao vũ khí để xâm nhập, sau đó lợi dụng gây ảnh hưởng và thu thập tin tình báo.
Không chỉ “vạch trần” ý định của Bắc Kinh, ông Cooper còn kêu gọi các nước cảnh giác khi chọn mua vũ khí Trung Quốc vì chất lượng kém, tránh trường hợp không đe dọa được kẻ thù mà ngược lại sát thương chính mình. Lấy ví dụ về mức độ “nguy hiểm” của vũ khí “made in China”, ông Cooper cho biết đại diện bán hàng Trung Quốc khi thử nghiệm đã từ chối ngồi bên trong xe bọc thép Norinco VN-4 mà họ muốn bán cho Kenya. Quốc gia châu Phi năm 2016 vẫn ký hợp đồng mua 30 chiếc Norinco VN-4 và theo ông Cooper, hàng chục binh sĩ Kenya đã thiệt mạng khi ngồi trong những phương tiện đó. Còn tại Trung Đông, nhiều nước khu vực đang tìm cách thay thế máy bay không người lái CH-4 của Trung Quốc đã bị hỏng chỉ sau vài tháng triển khai.
Theo Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, Washington tự tin là lựa chọn tốt nhất về mặt an ninh, không chỉ vũ khí chất lượng mà các quốc gia bạn hàng có thể gửi binh sĩ tham gia chương trình đào tạo, huấn luyện với tiêu chuẩn tương tự đối tác của Mỹ. Tuy vậy, ông Cooper thừa nhận sự thật là Washington vẫn bị chỉ trích vì thiết bị quân sự cồng kềnh và giá thành đắt đỏ. Ngoài ra, quá trình phê duyệt cũng khó khăn hơn những nước khác, thậm chí ngày càng bị chính trị hóa và phân cực. Trước nhận xét của quan chức Mỹ, ông El-Erian - chuyên cố vấn mua bán vũ khí cho các nước Trung Đông - cho rằng những “chiêu trò” bán hàng nói trên là phổ biến trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc đang trở thành đối thủ nặng ký cạnh tranh với Mỹ.