Chi tiêu của dân Trung Quốc đang tăng chậm lại.
Theo đó, trong tháng 10 vừa qua, chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc tăng 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn mức tăng của tháng trước đó 0,6%. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức 4,7%, thấp hơn mức tăng 5,8% của tháng trước. Trong khi đó, đầu tư tài sản cố định trong 10 tháng đầu năm lần đầu tiên đạt mức tăng trưởng 5,2%, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ khi số liệu này được thu thập và tổng hợp từ năm 1998.
Một quan chức NBS cảnh báo Trung Quốc đang đối mặt với một “tình hình kinh tế quốc tế phức tạp” gây sức ép giảm sút đối với kinh tế trong nước. Trong khi đó, nhà phân tích Martin Lynge Rasmussen thuộc hãng tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics, cảnh báo dữ liệu kinh tế của Trung Quốc không chỉ suy yếu trong tháng vừa qua, mà tình trạng suy yếu sẽ còn được phán ánh trong thời gian tới. Theo đó, ông dự kiến Bắc Kinh sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ.
Do ảnh hưởng của căng thẳng thương mại với Mỹ, kinh tế Trung Quốc trong quý III-2019 chỉ đạt mức tăng trưởng 6% - yếu nhất trong gần 3 thập kỷ.
Trong khi đó, theo số liệu do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 14-11, kinh tế nước này trong quý III-2019 (từ tháng 7 đến tháng 9) đã tăng trưởng quý thứ 4 liên tiếp, song tốc độ tăng trưởng chậm hơn dự kiến làm dấy lên quan ngại về “sức khỏe” của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý III tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái - thấp hơn mức tăng trưởng 1,8% của quý II cũng như mức dự báo tăng 1% của giới phân tích. Tính theo quý, GDP của Nhật Bản trong quý III tăng 0,1% so với quý II, cũng thấp hơn mức tăng trưởng 0,4% ghi nhận trong quý II.
Theo Văn phòng Nội các Nhật Bản, tình trạng xuất khẩu giảm sút, những căng thẳng thương mại tiếp diễn đã làm chậm đà tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Con số thực tế trái với mong đợi của giới phân tích rằng kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng mạnh trong quý III khi người dân đổ xô mua sắm trước thời điểm quy định tăng thuế tiêu thụ lên 10% chính thức có hiệu lực từ ngày 1-10.
Nhà kinh tế cấp cao của Viện nghiên cứu Mizuho, Kentaro Arita nhận định hoạt động mua sắm trước thời điểm tăng thuế không sôi động chứng tỏ kinh tế Nhật Bản chưa đủ vững mạnh để duy trì đà phục hồi. Ông dự báo kinh tế của nước này sẽ giảm sút trong quý IV do hoạt động mua sắm của người dân giảm sau khi thuế tăng.
Từ ngày 1-10, Nhật Bản đã áp dụng tăng thuế tiêu thụ từ 8% lên 10% theo đúng kế hoạch.
Trong hai đợt tăng thuế tiêu dùng gần đây nhất của Nhật Bản vào năm 1997 và 2014, kinh tế nước này đều rơi vào suy thoái sau khi thực hiện tăng thuế.
Lan Phương - (baocantho.com.vn)
T/h: Bích Ngân (dongbang.vn)