Trong 70 năm qua, Trung Quốc đã chuyển mình từ bị cô lập và lạc hậu thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew (Mỹ) trên gần 39.000 người tại 34 quốc gia cũng công nhận sự trỗi dậy “thần kỳ” của cường quốc châu Á với 58% người dân ở 16 nước đánh giá kinh tế Trung Quốc phát triển có thể đóng góp cho sự thịnh vượng chung, 52% có cái nhìn tích cực về các khoản đầu tư của Bắc Kinh.
Yêu sách của Trung Quốc trên các vùng biển khu vực trở thành mối quan ngại của nhiều nước. Ảnh: Reuters
Tỷ lệ tin tưởng vào sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thậm chí được đánh giá có phần nhỉnh hơn Mỹ tại 17 quốc gia. Nhưng không phải tất cả đều có cái nhìn lạc quan. Theo đó, tiềm năng tài chính của Bắc Kinh hấp dẫn nhiều thị trường mới nổi nhưng lại suy giảm ở những nước láng giềng châu Á-Thái Bình Dương như Philippines, Úc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tất cả đều có chung cảnh giác về nguy cơ Trung Quốc thông qua đầu tư để tìm kiếm ảnh hưởng và tăng cường sức mạnh quân sự. Theo khảo sát, đa số dân Úc, Nhật Bản đồng ý kinh tế Trung Quốc phát triển có thể đem lại lợi ích cho nước mình nhưng sự ngờ vực cũng ngang ngửa khi có tới 75% người Nhật coi đầu tư Trung Quốc là “vốn xấu”, kế đến là Úc với 60%.
Về quân sự, 58% người được khảo sát ở 18 quốc gia đánh giá không thuận lợi về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đặc biệt 6 nước châu Á-Thái Bình Dương đều xem Mỹ là đồng minh đáng tin cậy, trong khi 79% người được hỏi nhận xét tiêu cực về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Quan điểm của thế giới đối với lãnh đạo nước này cũng gay gắt không kém khi chỉ 29% tin tưởng Chủ tịch Tập Cận Bình. Xu hướng này phổ biến nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Tây Âu nhưng mức độ tin tưởng ông Tập lại cao hơn một chút ở các nước châu Phi, Trung Đông và cận Sahara.
Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương Trung Quốc 2019 dự kiến diễn ra vào cuối tháng này trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn đang bế tắc trong thương chiến với Mỹ. Theo các nhà phân tích, cuộc họp có thể sẽ hạ mục tiêu tăng trưởng năm tới xuống 6% từ khoảng 6-6,5% của năm 2019. |
Nhìn chung, thế giới “nửa thích, nửa ghét” Trung Quốc với mức ủng hộ trung bình 40% và không ủng hộ 41%. Quan điểm tiêu cực về Bắc Kinh được ghi nhận cao nhất ở những nước phát triển, đặc biệt tại Mỹ (60%) và Canada (67%). Đây cũng là chỉ số “không thích” Trung Quốc cao nhất được ghi nhận ở cả hai quốc gia nói trên trong lịch sử khảo sát của Pew. Hãng này cũng chỉ ra mối liên hệ giữa thu nhập bình quân đầu người và mức “yêu ghét” Trung Quốc. Theo đó, nước nào thu nhập càng cao thì càng không ủng hộ Bắc Kinh trong khi quốc gia thu nhập thấp có xu hướng đón nhận tích cực hơn. Đáng chú ý là những nước nhập siêu từ Trung Quốc lại thường có quan điểm tiêu cực nhiều hơn.
Trong khảo sát, Mỹ được xem là đồng minh hàng đầu của nhiều nước (Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Canada...) nhưng cũng bị coi là mối đe dọa với hầu hết quốc gia Mỹ Latinh, Trung Đông và Bắc Phi. Trong khi đó, Trung Quốc là đối tác đáng tin cậy của Nigeria, Kenya và Nam Phi nhưng lại là “mối nguy hiểm lớn nhất” với các nước ở châu Á-Thái Bình Dương.