Sơn Đông, tàu sân bay tự đóng đầu tiên của Trung Quốc, có nhiệm vụ chủ yếu là giúp Trung Quốc giành sự kiểm soát trên các vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền, thay vì chỉ tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện như tàu sân bay đầu tiên Liêu Ninh.
"Trọng tâm chiến lược chủ yếu của tàu Sơn Đông là tại các khu vực thuộc Biển Đông", tờ Express ngày 21-12 dẫn bài bình luận được đăng trên tài khoản mạng xã hội của Nhân dân Nhật báo.
"Gần đây, các tàu và máy bay quân sự từ một số nước khác đã tiến hành cái gọi là hoạt động tự do hàng hải ở biển Đông, gây rắc rối và thách thức chủ quyền của Trung Quốc" - bài viết cho biết.
Cũng theo bài viết này, "nhóm tác chiến tàu sân bay do tàu Sơn Đông dẫn đầu sẽ được triển khai đến biển Đông. Rất có thể nó sẽ có những cuộc va chạm mặt đối mặt với các tàu quân sự nước ngoài".
Tàu sân bay Sơn Đông là một thiết kế sao chép từ tàu sân bay Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến. Ảnh: REUTERS
Bài bình luận không nêu tên quốc gia cụ thể nhưng Bắc Kinh vốn liên tục cáo buộc Mỹ xâm phạm lãnh thổ và gây căng thẳng thông qua việc đưa tàu và máy bay quân sự đến vùng biển tranh chấp.
Các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) đã thách thức việc mà Washington nói là Trung Quốc hạn chế đi lại ở biển Đông. Mỹ cũng đã chỉ trích việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở các rạn san hô, bãi ngầm cũng như triển khai trang thiết bị quân sự đến những tiền đồn trên biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chính thức biên chế tàu Sơn Đông, trước đây được gọi là Type 001A, cho hải quân hôm 17-12 tại Tam Á, một cảng nằm trên đảo Hải Nam. Buổi lễ có sự tham dự của các tướng lĩnh thuộc Chiến khu Nam Bộ, nơi giám sát các hoạt động ở biển Đông.
Đây là tàu sân bay đầu tiên do Trung Quốc tự đóng trong nước, sau khi mua lại và tân trang tàu Liêu Ninh từ Ukraine. Sơn Đông sẽ có thể chở 36 chiến đấu cơ J-15, trong khi Liêu Ninh chỉ có thể chở tối đa 24 chiếc J-15. J-15 là một bản sao từ tiêm kích trên hạm Su-33 của Nga.
Nhân dân Nhật báo cho biết hai tàu có hỗ trợ lẫn nhau, dù tàu Liêu Ninh đóng ở Thanh Đảo, miền Đông Trung Quốc, còn tàu Sơn Đông đóng ở Tam Á. Hải quân Trung Quốc sẽ kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của nhóm tác chiến tàu sân bay do hai hàng không mẫu hạm này dẫn dắt, theo bài viết.
"Một tàu sân bay sẽ bảo vệ và hỗ trợ tàu còn lại, trong khi máy bay chiến đấu trên tàu còn lại sẽ tự do thực hiên nhiệm vụ tấn công" - bài viết khẳng định.
Tháng 5, một tàu chiến Mỹ đi qua bãi cạn Scarborough trong lúc cuộc chiến thương mại với Trung Quốc căng thẳng. Ảnh: REUTERS
Thế nhưng, theo phân tích của tạp chí National Interest, Sơn Đông chưa phải là một tàu sân bay hoàn hảo và có thể chỉ là hổ giấy. Nó chỉ là bản sao của Liêu Ninh với nhiều hạn chế về năng lực tác chiến do không có máy phóng như các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ.
Hải quân Trung Quốc không có máy bay cất hạ cánh thẳng đứng như F-35B hay AV-8B Harrier của Mỹ, cho phép biến các tàu đổ bộ tấn công thành tàu sân bay hạng nhẹ. Hai tàu sân bay của Trung Quốc sử dụng đường băng kiểu "nhảy cầu" cho máy bay cất cánh.
Đường băng kiểu "nhảy cầu" khiến máy bay không thể mang theo tối đa tải trọng nhiên liệu và vũ khí. Điều này làm giảm sức mạnh chiến đấu tổng thể của tàu sân bay, theo báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ (DIA) công bố vào đầu năm 2019 về sức mạnh quân sự Trung Quốc.
Theo tờ South China Morning Post, một số nhà quan sát quân sự đánh giá tàu sân bay Sơn Đông sẽ có ít tiêm kích hơn dự kiến và cần nhiều thời gian tập luyện để đáp ứng tiêu chuẩn triển khai tối thiểu.
Chuyên gia hải quân Lý Kiệt cho biết tàu Sơn Đông chưa đạt khả năng vận hành ban đầu (IOC) – tiêu chuẩn để có thể được triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong khi đó, chuyên gia Chu Thần Minh đánh giá dù có nơi chứa máy bay lớn hơn Liêu Ninh nhưng Sơn Đông rất khó mang đến 36 tiêm kích.
H.Bình (Theo Express) (nld.com.vn)
T/h: Anh Đức - (dongbang.vn)