Bản án này là bước đi cuối cùng của vụ cưỡng hiếp dã man chấn động Ấn Độ vào tháng 12-2012, khiến hàng ngàn người đổ ra đường biểu tình và gây xôn xao khắp thế giới trong nhiều tuần. Vụ án còn buộc chính phủ Ấn Độ ban hành luật lệ nghiêm khắc hơn, bao gồm cả án tử hình trong một số trường hợp hiếm hoi.
Trong vụ cưỡng hiếp tập thể tháng 12-2012, các thẩm phán kết luận rằng tội ác của các nghi phạm đáng nhận án tử hình nên chúng bị xử tử vào ngày 20-3. Bất chấp làn sóng phẫn nộ về vụ việc và lời hứa đem lại công lý nhanh chóng của chính phủ, vụ án bị kéo dài đến hơn 7 năm.
Gia đình nạn nhân hết sức vui mừng khi những kẻ thủ ác bị trừng trị. Mẹ của nạn nhân, bà Asha Devi, người đại diện cho chiến dịch kêu gọi thi hành án tử hình, nói rằng cuối cùng công lý cũng được thực thi.
Nhiều người đã tổ chức ăn mừng bên ngoài nhà tù và cùng hô vang "tử hình những kẻ cưỡng hiếp". Tuy nhiên, điều này có giúp phụ nữ được an toàn hơn ở Ấn Độ không?
Câu trả lời ngắn gọn là: Không.
Bà Asha Devi, mẹ của nạn nhân Nirbhaya. Ảnh: PTI
Nguyên nhân là vì bất chấp luật pháp ngày càng nghiêm khắc hơn đối với những tội ác nhắm vào phụ nữ kể tháng 12-2012, những vụ bạo lực tương tự vẫn liên tục xảy ra tại Ấn Độ. Theo thống kê của chính phủ, hàng ngàn vụ cưỡng hiếp vẫn xảy ra mỗi năm và con số này liên tục tăng trong những năm qua.
Các số liệu mới công bố gần đây từ Cục Hồ sơ Tội phạm Quốc gia cho thấy cảnh sát nhận được thông tin về 33.977 vụ cưỡng hiếp vào năm 2018, trung bình 93 vụ/ngày. Đây chỉ là bề nổi của một tảng băng khi các nhà vận động tiết lộ có hàng ngàn vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục không được báo cáo cho cảnh sát.
Có nhiều phụ nữ không dám báo án vì họ cảm thấy xấu hổ, sợ sự kì thị của xã hội đối với những tội ác tình dục hoặc sợ bị xem là nói dối. Dù vậy, các tờ báo vẫn tràn ngập thông tin về những vụ xâm hại tình dục mỗi ngày và dường như nạn nhân có thể là bất kỳ ai. Đó có thể là một em bé mới 8 tháng tuổi, một bà cụ trên 70 tuổi hay một người phụ nữ thuộc bất kỳ tầng lớp nào. Tội ác có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, trong một ngôi làng hẻo lánh, một đô thị sầm uất, ngay trong nhà của nạn nhân hay ở ngoài đường.
Người dân Ấn Độ biểu tình đòi treo cổ hung thủ vụ cưỡng hiếp tập thể tháng 12-2012. Ảnh: AP
Những kẻ cưỡng hiếp cũng không thuộc một tôn giáo hay tầng lớp cụ thể. Chúng đến từ những bối cảnh xã hội và tài chính khác nhau. Và chúng có mặt ở khắp mọi nơi, rình rập quanh những căn nhà, khu vui chơi, trường học và trên đường phố, chờ đợi cơ hội để gây án.
Vào tháng 11, một bác sĩ thú y 27 tuổi bị cưỡng hiếp tập thể và sát hại ở TP Hyderabad. Các hung thủ sau đó còn thiêu xác của nạn nhân. Vài ngày sau, tại quận Unnao bang Uttar Pradesh, một người phụ nữ bị thiêu sống khi đang trên đường làm chứng chống lại những nghi phạm cưỡng hiếp cô. Cô bị bỏng 90% và qua đời trong bệnh viện 3 ngày sau.
Cũng tại Unnao, vào tháng 7, một người phụ nữ khác bị thương nặng vì tai nạn xe hơi sau khi cô tố cáo một nhà lập pháp của đảng cầm quyền tội cưỡng hiếp. Hai người dì của nạn nhân thiệt mạng trong vụ tai nạn trong khi luật sư của cô cũng bị thương nặng.
Trước đó, nạn nhân khẳng định rằng cảnh sát đã phớt lờ đơn tố cáo của cô suốt nhiều tháng. Trong thực tế, cô cáo buộc họ thông đồng với kẻ cưỡng hiếp và bắt giữ cha cô, khiến ông chết trong tù.
Kẻ thủ ác chỉ bị bắt khi nạn nhân dọa sẽ tự sát và truyền thông địa phương bắt đầu đưa tin về các cáo buộc của cô. Vào tháng 12, một phiên tòa phán quyết nghi phạm có tội và kết án tù chung thân.
4 kẻ thủ ác trong vụ cưỡng hiếp tập thể trên xe buýt ở thủ đô Delhi tháng 12-2012. Ảnh: Delhi Police
Tất cả những trường hợp trên cùng với sự dã man của hung thủ và quyền lực của những người đàn ông đang nắm quyền đã không mang lại sự tự tin cho phụ nữ Ấn Độ.
Một số người cho rằng việc kết án nghiêm khắc, xử phạt nhanh chóng sẽ khiến công chúng sợ hãi và ngăn chặn các vụ cưỡng hiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định giải pháp lâu dài duy nhất đối với vấn đề này là loại bỏ suy nghĩ gia trưởng, loại suy nghĩ xem phụ nữ là tài sản của đàn ông.
Họ nói rằng gia đình và xã hội cần phải nhận ra vai trò của họ trong việc khiến Ấn Độ trở thành một nơi an toàn hơn cho phụ nữ. Và các bậc phụ huynh, giáo viên và ông bà phải đối phó với mọi hành vi vi phạm, dù là nhỏ, và không dung túng cho những thói xấu bằng quan niệm "con trai là thế".
Vào năm 2019, chính phủ Ấn Độ thông báo họ đã khởi động các chương trình học về sự nhạy cảm giới trong trường để dạy các bé trai tôn trọng phụ nữ. Ý tưởng này nhắm vào những đứa trẻ đang trong những năm tháng mới lớn để giúp các em trở thành những người đàn ông tốt hơn.
Giải pháp này chắc chắn có tác dụng nhưng một trong những trở ngại lớn nhất đối với ý tưởng này là sự chắp vá trong việc thực hiện và khoảng thời gian cần thiết để thu được kết quả. Trong lúc đó, phụ nữ Ấn Độ phải làm thế nào để đảm bảo an toàn của bản thân? Đó là làm điều họ luôn làm: giới hạn sự tự do của chính họ.
Theo luật pháp, nạn nhân vụ cưỡng hiếp tập thể ở thủ đô Delhi không được công bố danh tính nên truyền thông gọi cô là Nirbhaya, nghĩa là "người dũng cảm". Nhưng cái tên này không phải là những gì phụ nữ Ấn Độ thật sự cảm thấy. Họ phải ăn mặc kín đáo khi ra đường, không về muộn, lúc nào cũng trong trạng thái cảnh giác, luôn khóa cửa và đóng kín cửa sổ khi lái xe.
Theo - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)