Covid-19 đã lan rộng đến hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo Reuters, số ca tử vong giờ đây có thể được so sánh với thiệt hại nhân mạng trong dịch hạch ở London vào giữa thập niên 1660, với ước tính 100.000 thiệt mạng, tức khoảng 1/3 dân số thành phố khi đó.
Các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi đợt bùng phát ban đầu (như Trung Quốc và Hàn Quốc) đã chứng kiến số ca mắc mới hàng ngày giảm đáng kể. Tuy nhiên, các quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất ở châu Âu (như Ý, Tây Ban Nha và Pháp) vẫn đang vật lộn nhằm làm chậm tốc độ lây nhiễm.
Ngày 10-4, Anh có đến 980 ca tử vong. Đây không chỉ là con số tử vong trong ngày cao nhất tại Anh từ trước đến nay, và là con số cao nhất châu Âu từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại châu lục này, vượt qua cả kỷ lục của Ý vào 2 tuần trước là 971 người, cũng như vượt cả kỷ lục tồi tệ nhất của Tây Ban Nha là 950. Đến nay, số người thiệt mạng vì Covid-19 tại Anh lên tới 8.958 người, cao thứ 5 thế giới. Số ca nhiễm bệnh mới cũng ở mức gần 8.700 ca trong ngày 10-4, nâng tổng cộng lên trên 73.700 ca nhiễm.
Cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra phía trước Ngân hàng Anh ở London khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này. Ảnh: Reuters
Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật về dịch Covid-19, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock tiếp tục kêu gọi người dân Anh tuân thủ tối đa các quy định và chấp nhận hy sinh trong dịp lễ Phục sinh cuối tuần này. Trong khi đó không ít người lo ngại số ca nhiễm và tử vong tại nước này tiếp tục tăng trong ít nhất hai tuần nữa.
Về sức khoẻ của Thủ tướng Anh Boris Johnson, Văn phòng Thủ tướng Anh tối 10-4 cho biết ông Boris Johnson đang phục hồi tốt và duy trì tâm lý lạc quan. Hơn một ngày sau khi rời phòng điều trị tích cực, ông Johnson đã có thể tự đi lại một quãng ngắn.
Xe cứu thương bên ngoài bệnh viện Bệnh viện NHS Nightingale ở London. Ảnh: Reuters
Tại Mỹ, nhiều người hy vọng tình hình chững lại khi New York - tâm chấn của vụ dịch ở nước này ghi nhận tỉ lệ nhập viện liên quan đến Covid-19 thấp hơn trong tuần này. Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams nói rằng một số đại điểm có sự giám sát chặt chẽ, có thể xem xét mở lại vào đầu tháng 5. "Tuy nhiên, không phải tất các khu vực đều sẽ mở cửa trở lại. Đó là cách chúng ta sẽ mở cửa lại nền kinh tế. Một số nơi sẽ mở dần dần, dựa trên dữ liệu thực tế" - ông Adams nói.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin tin rằng các công ty của Mỹ có thể mở cửa trở lại vào tháng 5, chừng nào Tổng thống Donald Trump cảm thấy thoải mái với các vấn đề y tế.
Số thi thể được mai táng ở Đảo Hart đã tăng lên trong tháng 3. Ảnh: Reuters
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, nhận thấy vài ngày qua, dịch Covid-19 đã có các dấu hiệu chậm lại tại một số nước châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nhất như Tây Ban Nha, Ý hay Pháp. Tuy nhiên, sẽ là rủi ro lớn nếu các nước sớm gỡ bỏ các lệnh hạn chế. Một số quốc gia đang lên kế hoạch cho giai đoạn chuyển đổi, gỡ bỏ các hạn chế ở lại trong nhà.
"WHO cũng muốn gỡ bỏ các hạn chế này như tất cả mọi người, nhưng nếu gỡ bỏ quá sớm thì có thể dẫn đến sự bùng phát trở lại chết người của dịch. Nếu không xử lý tốt thì giai đoạn dịch đi xuống cũng sẽ nguy hiểm không kém gì khi đó bùng lên" - Tổng Giám đốc WHO cho biết.
Cảnh báo của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh một vài nước châu Âu trong những ngày qua bắt đầu gỡ bỏ một số hạn chế đi lại và tiếp xúc xã hội. Chẳng hạn như Áo, Đan Mạch sẽ cho mở cửa lại trường mầm non và tiểu học từ tuần sau, Tây Ban Nha cũng cho phép các lao động trong nhiều lĩnh vực quay lại làm việc, Ý cho mở lại các hiệu sách và cửa hàng quần áo cho trẻ em.
Một số nước khác như Pháp hay Anh sẽ họp vào đầu tuần sau để bàn về việc có gia hạn tiếp các lệnh phong toả hay tiến hành nới lỏng một số quy định hay không.
Trần Thường - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)