Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus (phải) tại buổi họp báo (Ảnh: Xinhua).
Thận trọng dỡ bỏ
Phát biểu tại cuộc họp báo từ trụ sở WHO tại Geneva, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng, một số nước đang có kế hoạch nới lỏng các lệnh hạn chế và yêu cầu ở trong nhà. Mặc dù cũng giống như tất cả, WHO cũng muốn thấy các biện pháp hạn chế được dỡ bỏ song vào thời điểm này, “dỡ bỏ các lệnh hạn chế có thể dẫn tới sự bùng phát trở lại chết người” của đại dịch Covid-19.
Tại thời điểm họp báo, Tổng giám đốc Tedros cho biết, WHO đã nhận được báo cáo về hơn 1,5 triệu ca Covid-19 và hơn 92 nghìn ca tử vong trên toàn thế giới.
WHO sẽ phối hợp với các quốc gia đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 để thực hiện các chiến lược dỡ bỏ các lệnh hạn chế dần dần và an toàn. Theo đó, WHO cho rằng để thực hiện dỡ bỏ các lệnh hạn chế cần cân nhắc tới sáu yếu tố.
Thứ nhất, việc dỡ bỏ dần phải được kiểm soát. Thứ hai, các dịch vụ y tế công cộng luôn sẵn sàng. Thứ ba, các nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong các cơ sở đặc biệt như các cơ sở chăm sóc dài hạn phải được giảm thiểu. Thứ tư, tất cả các biện pháp phòng ngừa phải được thực hiện ở tất cả nơi làm việc, trường học và các nơi người dân tới. Thứ năm, phải kiểm soát được tất cả các nguy cơ từ tên ngoài. Cuối cùng, tất cả cộng đồng phải nhận thức đầy đủ (nguy cơ dịch bệnh) và tham gia vào kế hoạch dỡ bỏ dần.
“Tất cả mọi cá nhân đều đóng một vai trò trong việc chấm dứt đại dịch này”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.
Tổng giám đốc Tedros cũng ghi nhận diễn biến dịch đang chậm lại ở một số nước châu Âu như Italia, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, nhưng đã có một "sự gia tăng đáng báo động" ở các quốc gia khác, bao gồm sự lây nhiễm trong cộng đồng 16 quốc gia châu Phi.
Ông cho hay, WHO đánh giá những khó khăn nghiêm trọng với các hệ thống y tế vốn đã quá tải, đặc biệt tại các khu vực nông thôn thường xuyên thiếu các nguồn lực.
Nhân viên y tế đang gặp nguy hiểm
Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO nhấn mạnh đặc biệt quan ngại về số lượng lớn nhân viên y tế nhiễm Covid-19.
Ông cho biết, tại một số quốc gia đã báo cáo hơn 10% số nhân viên y tế bị nhiễm bệnh. Đây là một xu hướng báo động.
“Khi các nhân viên y tế gặp nguy hiểm, tất cả chúng ta đều nguy hiểm”, người đứng đầu WHO cảnh báo.
Ông Tedros cho hay, những bằng chứng tại Trung Quốc, Italy, Singapore, Tây Ban Nha và Mỹ đang giúp chúng ta hiểu rằng tại sao lại có một số lượng lớn nhân viên y tế nhiễm bệnh và việc chúng ta cần làm lúc này. Những bằng chứng này cho thấy một số nhân viên y tế thực sự bị nhiễm bệnh bên ngoài các cơ sở y tế, ở trong nhà của họ hoặc ở trong cộng động.
Trong những cơ sở y tế, các vấn đề phổ biến đó là việc nhận thức chậm về Covid-19, thiếu tập huấn kỹ năng hoặc kinh nghiệm xử lý các bệnh hô hấp.
Nhiều nhân viên y tế cũng phải tiếp xúc với một số lượng lớn bệnh nhân trong một thời gian dài nhưng không có khoảng thời gian nghỉ ngơi thích hợp.
Tuy nhiên, những bằng chứng này cũng cho thấy rằng khi các nhân viên y tế mặc các thiết bị bảo hộ đúng cách, sẽ ngăn chặn được sự lây nhiễm.
Điều này cho thấy việc các nhân viên y tế được trang bị khẩu trang, găng tay, đồ bảo hộ và các thiết bị bảo vệ khác là vô cùng quan trọng để họ thực hiện công việc cứu người một cách an toàn và hiệu quả.
Tại cuộc họp báo, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO Michael Ryan nói rằng, thế giới nợ một khoản nợ khổng lồ với các nhân viên y tế tuyến đầu, và điều quan trọng là họ phải có được thiết bị bảo vệ phù hợp.
Hỗ trợ từ các tổ chức LHQ
Một nhóm đặc trách hỗ trợ mới của LHQ sẽ điều phối và mở rộng quy mô mua sắm và phân phối thiết bị bảo vệ, chẩn đoán trong phòng thí nghiệm và máy thở cho các quốc gia cần nhất.
Ông Tedros cho hay, mỗi tháng, WHO sẽ chuyển ít nhất 100 triệu khẩu trang và găng tay y tế, tối đa 25 triệu khẩu trang, quần áo bảo hộ và kính che mặt, lên tới 2,5 triệu bộ xét nghiệm chẩn đoán và một lượng lớn máy thở và các thiết bị khác cho chăm sóc lâm sàng.
Thêm vào đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP), một tổ chức xử lý các vấn đề hậu cần của LHQ - sẽ triển khai tám máy bay 747, tám máy bay chở hàng cỡ trung bình và một số máy bay chở khách nhỏ để vận chuyển hàng hóa và nhân viên cứu trợ cần thiết.
Ông Tedros cũng kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho hoạt động của WFP, chi phí ước tính khoảng 280 triệu USD, do chi phí mua sắm vật tư thực tế sẽ "lớn hơn nhiều".
Người đứng đầu WHO một lần nữa khẳng định, không có quốc gia nào có thể miễn dịch trước đại dịch Covid-19, vốn đang lây lan trên toàn thế giới. Các ca nhiễm gần đây được xác nhận tại một số khu vực ở Nhật Bản không có mối liên hệ với những đợt bùng phát dịch khác.
"Không quốc gia nào miễn dịch. Không quốc gia nào có thể tuyên bố họ có hệ thống y tế mạnh mẽ. Chúng ta phải thực sự trung thực, đánh giá và giải quyết vấn đề này”, ông Tedros nói
Ông cũng cảnh báo: “Từ đại dịch này, chúng ta phải cố gắng tìm hiểu những khoảng trống, đây là một thông điệp ngay cả đối với các nước phát triển”.
N.T - (nhandan.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)