Đa phần người cao tuổi Nhật vẫn phải làm việc để mưu sinh. Ảnh: DW
Chẳng hạn như trường hợp của cụ ông 72 tuổi Tomoaki Kobayashi ở quận Shinjuku, thủ đô Tokyo. Sau khi mất công việc dọn vệ sinh tại một cửa tiệm trò chơi, cụ buộc phải thường xuyên xếp hàng xin thức ăn, cùng hơn 100 cụ già khó khăn khác. Cụ còn sợ sẽ mất luôn chỗ ở, khi lương hưu không đủ để trả tiền thuê nhà. Kobayashi kể do chỉ đóng phí bảo hiểm hưu trí trong 15 năm thay vì 33 năm như đa số người cao tuổi khác, cụ chỉ đủ điều kiện nhận 54 ngàn yen (500USD) mỗi 2 tháng. “Đây là tháng cuối cùng, tôi không còn khả năng trả (tiền trọ) nữa” – Kobayashi buồn rầu nói với phóng viên hãng tin Anh Reuters.
Theo dữ liệu Chính phủ Nhật, người cao tuổi chiếm 13% lực lượng lao động, tăng từ mức 9% khi ông Abe trở lại nắm quyền năm 2012. Và hơn 75% số lao động cao tuổi đang là nhân viên dạng thời vụ, bán thời gian và hợp đồng – những đối tượng đầu tiên mất việc khi doanh nghiệp đứng trước áp lực kinh tế. Tuy với một số người cao tuổi, đi làm là để phụ thêm lương hưu và là một khoản tiết kiệm đáng kể, nhưng với người có thu nhập thấp như Kobayashi, công việc bán thời gian là sợi dây sinh mệnh.
Hiện có 1/5 số người cao tuổi ở Nhật sống trong cảnh tương đối nghèo khó, tức thu nhập của họ chưa bằng một nửa thu nhập của hộ gia đình trung bình.
Được biết, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật trong tháng 3 là 2,5%. Tuy con số này có thế gây thèm muốn cho nhiều nước, nhưng việc nó tiếp tục tăng đồng nghĩa sẽ có thêm người cao tuổi mất việc, đặt thêm gánh nặng cho các cơ quan xã hội trong bối cảnh xứ hoa anh đào đối mặt với cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất thời hậu chiến. “Nhật không phải là nước có tỷ lệ thất nghiệp tăng và giảm mạnh như Mỹ. Nên nếu chỉ tăng 1%, tác động tiêu cực cũng rất lớn” - Taro Saito, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu NLI, cho biết.
Và tại nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, lao động nữ là đối tượng được cảnh báo phải đối mặt với một tương lai nghèo khó khi về hưu. Mặc dù chính phủ đã ban hành nhiều quy định thuận lợi cho phụ nữ, bao gồm chính sách nghỉ thai sản được đánh giá là “hào phóng” nhất thế giới, nhưng lao động nữ - dù là độc thân, đã kết hôn, làm việc bán thời gian hay toàn thời gian - đều phải đối mặt với tương lai khó khăn về tài chính.
Theo Giáo sư Seiichi Inagaki tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế, tỷ lệ sống trong cảnh nghèo khổ của phụ nữ lớn tuổi Nhật sẽ tăng gấp đôi - lên mức 25% - trong 40 năm tới. Riêng với phụ nữ độc thân, tỷ lệ này có thể lên tới 50%. Còn theo một nghiên cứu khác, phụ nữ xứ mặt trời mọc sẽ “không còn một xu dính túi” ở thời điểm 20 năm trước khi họ qua đời.
Nhật là một trong những nước có sự chênh lệch tiền lương theo giới tính rộng nhất. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thu nhập của phụ nữ Nhật chỉ bằng 73% so với nam giới.
NGUYỆT CÁT - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)