Trung Đông trở thành điểm nóng buôn bán nội tạng

Chủ nhật, 12 Tháng 7 2020 15:48 (GMT+7)
Trong bối cảnh xung đột diễn ra trên khắp Trung Đông và Bắc Phi, lượng người vô gia cư ngày càng nhiều được xem là miếng mồi ngon của những kẻ buôn bán nội tạng. Ước tính, hơn 5 triệu người tị nạn ở Trung Đông hiện là mục tiêu tiềm năng của hoạt động phi pháp này.
3 trong số nhiều nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng ở Pakistan. Ảnh: AFP
 
Theo Tổ chức Liêm chính Tài chính Toàn cầu, hoạt động buôn bán nội tạng trên thế giới mỗi năm tạo ra nguồn thu khoảng 600 triệu USD - 1,2 tỉ USD trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Trong đó, người tị nạn là đối tượng dễ bị dụ dỗ nhất bởi họ luôn trong tình trạng nghèo đói, có điều kiện sống tồi tàn và tương lai bất định. Chính các yếu tố này khiến nhiều người rơi vào cảnh tuyệt vọng phải tìm cách thoát khỏi khó khăn và dễ dàng đồng ý bán nội tạng để giúp đỡ gia đình hoặc dùng số tiền có được để đi đến các khu vực khác ổn định hơn trên thế giới.
 
“Thị trường đỏ” lan rộng
 
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) tại Thụy Sĩ đã có báo cáo nghi ngờ hoạt động buôn bán nội tạng tại Syria vào đầu năm 2015 và cho rằng nó có liên quan đến các nước láng giềng. Cuộc xung đột kéo dài ở Syria khiến nhiều người trong số hơn 2 triệu dân tị nạn trở thành miếng mồi ngon cho nạn buôn bán tình dục, nội tạng và lao động cưỡng bức, đặc biệt là ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon, Ai Cập và Libya - những điểm nóng của “thị trường đỏ” tại khu vực.
 
Theo một nghiên cứu, những kẻ buôn bán nội tạng ở Lebanon chủ yếu nhắm mục tiêu vào các trại tị nạn, nơi có nhiều trẻ vị thành niên. Trong cuộc phỏng vấn hồi đầu năm 2019, Nuna Matar, Giám đốc tổ chức hỗ trợ người nghèo và vô gia cư Triumphant Mercy cho biết, những kẻ buôn người thường bắt cóc trẻ em tại các trại tị nạn không phải để ép chúng lao động cưỡng bức hay làm nô lệ tình dục mà là để bán nội tạng.
 
Trong khi đó, Libya được xem là “thị trường đỏ” đáng báo động khi mà đất nước bị chiến tranh tàn phá này là điểm đến của những người tị nạn từ vùng châu Phi hạ Sahara và vùng Sừng châu Phi tìm đường đến châu Âu.
 
Tại Ai Cập, nghiên cứu về nạn buôn bán nội tạng năm 2019 cho rằng chính việc Cairo xem nhẹ những người tị nạn và người nhập cư là nguyên nhân dẫn đến gia tăng vấn nạn này tại đây. Trước đó, năm 2018, tòa án hình sự Ai Cập đã kết án 37 người gồm bác sĩ, y tá can tội buôn bán nội tạng trái phép. Một báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, tại Ai Cập có đến 250.000 vụ buôn bán và cấy ghép nội tạng được phát hiện, phần lớn liên quan đến người tị nạn châu Phi.
 
Nhiều báo cáo cho thấy, giá bán nội tạng ở các nước Trung Ðông khá cao. Chẳng hạn, giá một quả thận ở Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ lần lượt là 20.000 USD và 145.000 USD.
 
Ngành kinh doanh béo bở
 
Bahrain là quốc gia duy nhất tại Trung Đông đã nỗ lực chống lại mọi hình thức buôn bán nội tạng thông qua luật pháp, có các biện pháp phòng ngừa, nhận dạng nạn nhân và có quan hệ đối tác mạnh mẽ với các tổ chức phi chính phủ. Bahrain đến nay đã thành lập trung tâm chống nạn buôn người với mục tiêu xử lý vấn nạn này ở cấp địa phương và khu vực. Trong khi đó, Iran là nước duy nhất cho phép mọi người dân được quyền mua bán và cấy ghép nội tạng.
 
Ngoài những nước khai thác nội tạng chủ yếu từ những người nhập cư và tị nạn kể trên, nhiều quốc gia khác tại châu Á và châu Phi cũng diễn ra tình trạng mua bán và cấy ghép trái phép các bộ phận cơ thể quý giá của con người. Các nước  như Nigeria, Philippines, Iran, Pakistan, Ấn Ðộ, Bangladesh đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho các băng nhóm mafia nội tạng. Ðáng chú ý là tại Ấn Ðộ, Pakistan và Iran, tầng lớp lao động bị cưỡng bức và công nhân lò gạch với mức lương thấp lại không có bảo hiểm y tế dễ chấp nhận bán nội tạng của mình để trừ nợ cho các ông chủ.
 
Và cũng như nhiều nước khác trên thế giới, Ấn Ðộ, Iran, Pakistan, Trung Quốc và Ai Cập đồng thời là địa điểm cấy ghép tạng phổ biến. Ấn Ðộ dẫn đầu châu Á khi có cả một mạng lưới bệnh viện cấy ghép nội tạng phục vụ cho trong và ngoài nước. Các nội tạng bất hợp pháp từ Sudan, Tanzania, Nigeria và Eritrea thì được cấy ghép tại Ai Cập.
 
Theo WHO, chi phí mỗi ca ghép nội tạng tùy theo ở mỗi nước và khu vực, nhưng giá ghép thận trung bình dao động từ 30.000 USD - 40.000 USD, trong khi chạm mốc 160.000 USD tại thị trường quốc tế do giới trung gian và bác sĩ đưa ra.
 
Buôn bán nội tạng rõ ràng đã trở thành ngành kinh doanh béo bở trên thị trường chợ đen - nơi những người làm nghề y chuyên nghiệp, giới y tá và các tay “cò” mất đạo đức đặt mạng sống của người nghèo trong hiểm nguy. Mặc dù phải trả chi phí cao, nhưng có đến 70-80% số bệnh nhân được ghép tạng tại Ấn Ðộ, Pakistan, Iran, Ai Cập và một số nước châu Phi khác được cho vẫn bị di chứng sức khỏe và thể chất.
 
TRÍ VĂN - (baocantho.com.vn)
T/h: H.Phong (dongbang.vn)

Bài viết mới nhất của Thế Giới