Lực lượng hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhiều năm qua được phép sử dụng một loạt cảng ở Myanmar, Sri Lanka, Pakistan, Iran và Đông Phi, không chỉ giữ chân Hải quân Ấn Độ mà còn thách thức sự hiện diện của Hải quân Mỹ cũng như Pháp và Anh.
Ở Myanmar, Bắc Kinh có 70% cổ phần tại cảng nước sâu Kyaukpyu ở phía Tây bang Rakhine thuộc Đặc khu kinh tế Kyaukpyu, một cảng tự nhiên nhìn ra Ấn Độ Dương và phù hợp cho việc neo đậu của các tàu cỡ lớn.
Tại Nam Sri Lanka, Trung Quốc đã thuê cảng Hambantota trong 99 năm với giá 1,1 tỉ USD, kể từ năm 2017. Cuối năm 2019, chính quyền mới ở Sri Lanka do Tổng thống Gotabaya Rajapaska đứng đầu muốn hủy hợp đồng để lấy lại cảng Hambantota.
Với vị trí địa chiến lược ở phía Nam Sri Lanka trông ra Ấn Độ Dương, nằm trên tuyến vận tải đường biển chính giữa châu Á và châu Âu, cảng Hambantota gây lo lắng cho Ấn Độ cũng như các nước về nguy cơ Bắc Kinh sử dụng nơi này cho những mục đích quân sự hoặc chiến lược trong tương lai. Tuy nhiên, Trung Quốc đã bác bỏ những quan ngại về ý đồ quân sự trong việc đầu tư vào cảng Hambantota.
Đầu tháng 7, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã phê duyệt việc mua 21 máy bay chiến đấu MiG-29 từ Nga Ảnh: THE DRIVE
Trong bối cảnh Trung Quốc đang nỗ lực tạo nên một lực lượng hải quân viễn dương, có khả năng thực hiện nhiệm vụ ngoài khơi xa, các nhà hoạch định an ninh quốc gia Ấn Độ cố gắng xây dựng các bãi hạ cánh ở một vài trong số 1.062 hòn đảo thuộc chủ quyền của nước này.
Thay vì mua thêm tàu sân bay, kế hoạch của New Delhi là nâng cấp hoàn toàn các căn cứ quân sự ở quần đảo Andaman và Nicobar trên bờ biển phía Đông cũng như ở đảo Lakshadweep, ngoài khơi bờ biển phía Tây Ấn Độ.
Để chống lại "mối đe dọa" từ Trung Quốc, Ấn Độ dự định thiết lập một mạng lưới các căn cứ không quân trên những đảo này ở cả biển Ả Rập và vịnh Bengal để bảo đảm tự do hàng hải và vùng trời.
Hiện tại, lực lượng bộ binh và không quân được triển khai ở khu vực biên giới Aksai Chin, Hải quân Ấn Độ cũng trong tư thế sẵn sàng đối phó "các mối đe dọa" từ Hải quân Trung Quốc ở biển Ả Rập hoặc vịnh Bengal.
Tờ Hindustan Times dẫn các nguồn tin tại TP Mumbai tiết lộ sau cuộc đụng độ ở thung lũng Galwan hôm 15-6, các tàu chiến Ấn Độ bao gồm cả tàu sân bay và tàu ngầm được điều về các vùng biển phía Đông lẫn phía Tây nhằm tránh thế bao vây của Hải quân Trung Quốc, từ eo biển Malacca đến vùng Sừng châu Phi.
Các tàu chiến của Trung Quốc tiến vào Ấn Độ Dương thông qua eo biển Malacca và hoạt động ở vùng biển quốc tế. Vào thời điểm tình hình căng thẳng tại phía Đông Ladakh gia tăng, 3 tàu chiến của Hải quân Trung Quốc đã tiến đến vùng biển an toàn ở vịnh Aden, nằm trong biển Ả Rập và ngoài khơi bờ biển Djibouti.
Trong khi đó, 3 tàu chiến khác đã rời eo biển Malacca. Một chỉ huy quân đội Ấn Độ nói với Hindustan Times ngày 19-7: "Một tàu chiến Trung Quốc khi đó đi qua Indonesia về phía Ấn Độ Dương cũng quay trở lại, giữa lúc các lực lượng Ấn Độ sẵn sàng cho mọi tình huống bất ngờ".
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)