Trong khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa cảnh báo vắc-xin không phải là "viên đạn bạc" tiêu diệt bệnh Covid-19, nhiều công ty dược phẩm hàng đầu thế giới đang đặt cược vào các loại kháng thể được điều chế nhằm tấn công virus SARS-CoV-2.
Giải thích đơn giản về mặt y học, khi virus lọt qua hàng rào phòng vệ bước đầu, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch, sản sinh ra các tế bào tấn công kẻ xâm nhập. Trong số tế bào này có các kháng thể có chức năng nhận dạng và "khóa" virus không cho tiếp tục lây lan trong cơ thể.
"Bản sao" của các loại protein được sản sinh tự nhiên đó chính là kháng thể đơn dòng và việc phát triển các loại kháng thể đơn dòng chống Covid-19 đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học nổi tiếng, theo hãng tin Reuters. Một trong số đó, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu của Mỹ Anthony Fauci thậm chí cho rằng chúng "gần như đem lại phần thắng" trong cuộc chiến với đại dịch hiện làm lây nhiễm hơn 18,5 triệu người và khiến gần 700.000 người tử vong trên toàn thế giới.
Giới khoa học vẫn đang nghiên cứu vai trò chính xác của các kháng thể trung hòa trong quá trình hồi phục của bệnh nhân Covid-19, song các công ty dược phẩm tin rằng tìm đúng loại kháng thể có thể xoay đổi cục diện dịch bệnh. "Chính xác là kháng thể có thể ngăn chặn sự lây nhiễm" - ông Christos Kyratsous, Giám đốc điều hành của hãng Regeneron Pharmaceuticals (Mỹ), nhận xét với Reuters. Regeneron đang thử nghiệm một hỗn hợp gồm 2 kháng thể, với niềm tin rằng 1-2 loại kháng thể sẽ "khóa" virus chặt hơn là 1 loại.
Được chính phủ Mỹ trao một hợp đồng cung ứng trị giá 450 triệu USD hồi tháng 6 qua, Regeneron nhấn mạnh có thể bắt tay sản xuất ngay lập tức nếu các cơ quan chức năng thông qua quy trình điều trị.
Ngoài Regeneron, Mỹ còn cho phép Eli Lilly (Mỹ), AstraZeneca (Anh - Thụy Điển), Amgen (Mỹ) và GlaxoSmithKline (GSK, Anh) dùng chung nguyên liệu sản xuất để mở rộng nguồn cung ứng trong trường hợp bất kỳ loại thuốc nào của các công ty nói trên thành công. AstraZeneca cho biết họ có kế hoạch thử nghiệm trên người loại hỗn hợp 2 kháng thể trong vài tuần tới, còn Lilly đã bắt đầu thử nghiệm riêng biệt các loại kháng thể trên người từ tháng 6.
Cô Tokemia Rios, nhân viên của Bệnh viện El Rio Health, được tiêm thử nghiệm kháng thể chống Covid-19 tại Trường ĐH Arizona (Mỹ) vào tháng 7-2020 Ảnh: REUTERS
Việc các hãng dược đối thủ hợp tác với nhau là điều khó thấy song không vì vậy mà con đường bào chế thuốc bớt đi sự phức tạp. Đó là chưa kể tới thực tế giới nghiên cứu vẫn đang tranh cãi về việc chỉ 1 kháng thể đơn lẻ liệu có đủ sức chặn đứng Covid-19? Nhà khoa học trưởng của Lilly, ông Dan Skovronsky, đặt vấn đề: "Nếu tăng liều thuốc hoặc sử dụng nhiều kháng thể hơn thì số người được điều trị sẽ giảm xuống".
Không giống như vắc-xin (kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể con người), tác dụng của kháng thể sẽ tan dần. Dù vậy, các hãng dược nhấn mạnh kháng thể đơn dòng có khả năng ngăn chặn lây nhiễm tạm thời đối với những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế, người cao tuổi…, đồng thời đóng vai trò phương pháp điều trị bắc cầu trong lúc chờ vắc-xin.
"Trên khía cạnh y học dự phòng, chúng tôi nghĩ sản phẩm của mình có thể công hiệu tối đa 6 tháng" - ông Phil Pang, Giám đốc y khoa của Vir Biotechnology (Mỹ, đối tác của GSK), cho biết. Ông Mark Brunswick, Phó Chủ tịch của Sorrento Therapeutics (Mỹ), cũng chia sẻ: "Lợi thế của kháng thể là tạo miễn dịch gần như tức thời".
Một ưu thế khác của kháng thể đơn dòng là ít nguy hiểm nhưng bù lại chi phí khá cao. Theo Reuters, các loại kháng thể dùng trong điều trị ung thư có giá vượt quá 100.000 USD/năm. Thêm một mối lo là SARS-CoV-2 có thể kháng các loại kháng thể cụ thể. Để tránh kịch bản này, theo chuyên gia David Ho của Trường ĐH Columbia, "cần đánh trúng vào nhiều điểm khác nhau". Là tác giả một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, ông Ho cùng các nhà nghiên cứu khác cho biết họ đã phát hiện ra nhiều loại kháng thể mới, mức độ hiệu nghiệm cao trong việc tấn công virus gây bệnh Covid-19 lẫn khu vực virus hoạt động.
Bên cạnh đó, chuyên gia vi sinh Florian Krammer của Trường Y khoa Icahn (Mỹ) lưu ý kháng thể cần được sử dụng sớm, trước khi cơ thể nhiễm virus, mới phát huy hiệu quả.
"Thảm họa thế hệ"
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres hôm 4-8 cảnh báo thế giới sẽ đối mặt "thảm họa thế hệ" khi nhiều trường học đóng cửa vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Guterres cho biết đến giữa tháng 7, khoảng 160 quốc gia phải đóng cửa trường học, làm ảnh hưởng hơn 1 tỉ học sinh và khiến ít nhất 40 triệu trẻ em không được học mẫu giáo. Từ trước đại dịch, hơn 250 triệu trẻ em không được đến trường và chỉ 1/4 số học sinh trung học ở các nước đang phát triển hoàn thành chương trình đào tạo kỹ năng cơ bản.
Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: "Chúng ta đang đối mặt một thảm họa thế hệ có thể lãng phí tiềm năng con người, hủy hoại hàng thập kỷ tiến bộ và làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng". Theo ông Guterres, một khi Covid-19 được kiểm soát, việc đưa học sinh trở lại trường và các cơ sở học tập một cách an toàn nhất có thể phải là ưu tiên hàng đầu".
Trong khi đó, các nhà ngoại giao LHQ và chuyên gia cảnh báo đại dịch Covid-19 đang làm trầm trọng thêm hoạt động nhân đạo ở những nước diễn ra xung đột đẫm máu nhất thế giới, đồng thời đe dọa hủy hoại kinh tế, làm gia tăng bạo lực. Bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn toàn cầu của ông Guterres hồi tháng 3, các điểm nóng như Yemen, Libya và Syria tiếp tục xung đột.
Đáng chú ý, các biện pháp phong tỏa ngăn dịch Covid-19 đang đặt ra rào cản đối với nỗ lực hòa giải và viện trợ cần thiết cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Giới chuyên gia ghi nhận nạn đói lại một lần nữa xảy ra tại Yemen, xung đột lại leo thang, nền kinh tế bị phá hủy và dịch Covid-19 đang lan rộng ngoài tầm kiểm soát. Trong khi đó, tình trạng thất nghiệp tại Syria đã tăng lên 50% và Lebanon rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế tệ hại nhất kể từ cuộc nội chiến năm 1975-1990.
Hải Ngọc - (nld.com.vn)
T/H: Anh Đức - (dongbang.vn)